Trong nước

Bản tin trưa 2/4: Việt Nam lọt top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á

Hưng Nhật 02/04/2025 12:28

Tin tức đáng chú ý trưa 2/4: Việt Nam lọt top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á; Ra mắt Ngân hàng Nhà nước khu vực 12 tại Đồng Nai; Bộ Công an trao gần 3 tấn hàng y tế hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất; Thị trường ghi nhận thêm 77 lô trái phiếu có vấn đề, trị giá 5.540 tỷ đồng; Chủ tịch UBND TP.HCM giao nhiệm vụ đầu tư 7 tuyến metro.

Việt Nam lọt top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á

Theo trang Seasia Stats, Việt Nam đang khẳng định vị thế trong khu vực với tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng. Dự kiến đến năm 2025, quy mô GDP của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD, xếp thứ 12 trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Á. Thành tích này được thúc đẩy nhờ sự bùng nổ của hoạt động sản xuất và dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngày càng mạnh mẽ.

Tap Doan Cong Nghiep Cao Su Viet Nam - Vietnam Rubber Group - VRG, Ribbed Smoked Sheet(RSS),Technically Specified Rubber(TSR),GRC,Standardized Vietnamese Rubber(SVR),Rubber,Raw Rubber,Natural Rubber,Natural Rubber Based Products,Rubber Wood,Rubber Wood ...

Trong bảng xếp hạng của Seasia, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu châu Á về quy mô kinh tế, theo sau là Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Tại Đông Nam Á, Indonesia lọt vào nhóm 5 quốc gia đứng đầu khu vực.

Theo Bộ Tài chính, kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát dưới 4%, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất có xu hướng giảm, các chỉ số tài chính công như bội chi và nợ công đều nằm trong giới hạn cho phép.

Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 11/2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt 31 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm qua. Thành tích này góp phần quan trọng trong việc củng cố nền tảng tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế.

Chủ tịch UBND TP. HCM giao nhiệm vụ đầu tư 7 tuyến metro

Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ký quyết định giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) làm chủ đầu tư triển khai 7 tuyến metro theo Nghị quyết 188 của Quốc hội, nhằm hiện thực hóa quy hoạch mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, đồng bộ và bền vững.

media-cdn-v2.laodong.vn-storage-newsportal-2025-3-31-1484768-_metro-so-1.5.jpg

Cụ thể, các tuyến metro được giao cho MAUR đầu tư, gồm: Tuyến 1: Bến Thành - An Hạ (tiếp nối tuyến Bến Thành - Suối Tiên), dài hơn 20 km; Tuyến 2: Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - Củ Chi, dài 62,2 km; Tuyến 3: Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - Ngã 6 Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ, dài 45,8 km; Tuyến 4: Đông Thạnh (Hóc Môn) - Sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước, dài 47,3 km; Tuyến 5: Long Trường - Xa lộ Hà Nội - Cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - Depot Đa Phước, dài 53,9 km; Tuyến 6: Vành đai trong (đi qua TP Thủ Đức, Quận 7, Bình Chánh, các quận nội thành), dài 53,8 km; Tuyến 7: Tân Kiên - Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu Công nghệ cao - Vinhomes Grand Park, dài 51,2 km.

UBND TP.HCM yêu cầu MAUR lập phương án bố trí vốn cho các giai đoạn 2021 - 2025, 2026 - 2030 và 2031 - 2035, đồng thời xây dựng kế hoạch phân bổ vốn hàng năm để đảm bảo tiến độ đầu tư. Việc phát triển đồng loạt 7 tuyến metro là bước tiến quan trọng, kỳ vọng tạo cú hích cho hạ tầng giao thông, giảm áp lực giao thông đường bộ và nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố.

Ra mắt Ngân hàng Nhà nước khu vực 12 tại Đồng Nai

Ngày 1/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố quyết định thành lập và ra mắt NHNN khu vực 12, đồng thời tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại khu vực.

NHNN khu vực 12 được thành lập trên cơ sở hợp nhất các chi nhánh NHNN tại năm tỉnh thành gồm: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Trụ sở chính được đặt tại tỉnh Đồng Nai, trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

ngan-hang-010425.jpg

Ông Tạ Thành Long - Nguyên Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai, được bổ nhiệm làm Giám đốc NHNN khu vực 12. Các Phó giám đốc gồm các ông, bà: Trần Thiên Trí, Lâm Thị Hồng Ngọc, Võ Đình Phong, Phạm Quốc Bảo và Nguyễn Đình Thanh.

Sau khi sắp xếp, NHNN khu vực 12 hoạt động với 7 phòng chuyên môn: tổng hợp; thanh tra; hai phòng quản lý, giám sát; kế toán - thanh toán; tiền tệ - kho quỹ và hành chính - nhân sự.

Việc thành lập NHNN khu vực 12 nhằm nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, quản lý tín dụng và giám sát hoạt động ngân hàng trong vùng, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững cho khu vực phía Nam.

Bộ Công an trao gần 3 tấn hàng y tế hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất

Sáng ngày 1/4, Bộ Công an cho biết đã cử đoàn công tác đặc biệt đến Myanmar để trao tặng gần 3 tấn thuốc và thiết bị y tế nhằm hỗ trợ nước bạn khắc phục hậu quả nặng nề sau trận động đất vừa qua.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Trưởng đoàn công tác, đã trực tiếp bàn giao số hàng cứu trợ cho ông Sa Weli Frag - Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai thuộc Bộ Phúc lợi xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar. Gói hỗ trợ gồm nhiều loại thuốc thiết yếu như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị cảm cúm, tiêu hóa, cùng các thiết bị y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản như máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, thiết bị đo SpO2, cáng cứu thương, băng gạc, dung dịch sát khuẩn…

Đặc biệt, đoàn còn trao tặng các thiết bị phòng chống dịch bệnh như bình phun thuốc, hóa chất diệt côn trùng, giúp kiểm soát nguy cơ dịch bệnh lây lan trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.

Đại diện phía Myanmar gửi lời cảm ơn đến Bộ Công an Việt Nam và cho biết toàn bộ số thuốc và thiết bị y tế sẽ được chuyển giao kịp thời cho Bộ Y tế Myanmar để phân phối đến các vùng đang thiếu hụt vật tư.

Trước đó, tối 31/3, trong quá trình thực hiện công tác cứu nạn tại thị trấn Zabuthiri, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng, đoàn cũng đã trao tặng thêm thuốc men và nhu yếu phẩm cho chính quyền địa phương, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ truyền thống giữa hai nước.

Thị trường ghi nhận thêm 77 lô trái phiếu có vấn đề, trị giá 5.540 tỷ đồng

Theo báo cáo mới nhất từ FiinRatings, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khi ghi nhận thêm 77 lô trái phiếu có vấn đề trong thời gian gần đây, với tổng giá trị lên tới 5.540 tỷ đồng. Con số này tăng 2,32% so với quý IV/2024 và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, dù mức tăng đã chạm đáy kể từ giai đoạn khủng hoảng cao điểm vào tháng 2/2023.

Nóng cuộc đua tăng vốn ngân hàng

Trong số các lô trái phiếu có vấn đề, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 63,4% tổng giá trị, chủ yếu là những khoản đã từng được giãn hoặc hoãn thanh toán trước đó. Các doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt với áp lực nợ đáo hạn lớn trong vòng 12 tháng tới, báo hiệu nguy cơ tiếp tục chậm trả trong năm 2025.

FiinRatings dự báo, quý II/2025 sẽ là giai đoạn căng thẳng với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn lên đến 40.600 tỷ đồng, trong đó riêng nhóm bất động sản chiếm 16.500 tỷ đồng. Tình hình này cho thấy rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu vẫn chưa hạ nhiệt và cần được theo dõi chặt chẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin trưa 2/4: Việt Nam lọt top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO