Bài học từ những địa danh từng bị UNESCO loại khỏi danh sách Di sản thế giới

Thùy Chi| 31/07/2021 01:00

Mới đây, Liverpool - thành phố cảng nằm ở phía Tây Bắc nước Anh, đã bị gạch tên khỏi danh sách Di sản thế giới bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Dù hiếm hoi, nhưng đây không phải lần đầu tiên sự việc đáng tiếc này xảy ra với một địa danh được đưa vào danh sách Di sản thế giới.

Trước đó, thung lũng Elbe (Dresden, Đức) và Khu bảo tồn linh dương Ả rập (Oman) cũng gặp tình huống tương tự. Như vậy, đến nay, có tất cả 3 Di sản thế giới không còn được thừa nhận bởi UNESCO

Khu bảo tồn linh dương Ả rập ở Oman.

Linh dương Ả rập là một trong bốn loài linh dương được ghi nhận thuộc chi Oryx, trong khi ba loài còn lại có nguồn gốc từ các vùng khô hạn của châu Phi, thì linh dương Ả rập là loài duy nhất sống tại khu vực sa mạc và đồi núi ven biển thuộc bán đảo Ả rập. Loài linh dương này đã từng bị tuyên bố tuyệt chủng trong tự nhiên vào năm 1972 do nạn săn bắt trộm và suy thoái môi trường sống. Tuy nhiên sau đó Hoa Kỳ đã nhân giống thành công trong điều kiện nuôi nhốt, và đưa loài linh dương này trở lại Oman từ năm 1982.

1-Khu-bao-ton-linh-duong-A-rap-7960-9920

Khu bảo tồn linh dương Ả rập ở Oman

Với những đặc điểm tự nhiên riêng có, Khu bảo tồn linh dương Ả rập ở Oman sở hữu một hệ sinh thái sa mạc độc đáo, trong đó có nhiều loài thực vật đặc hữu và nhiều loài động vật quý hiếm. Khu bảo tồn linh dương Ả rập được ghi nhận là nơi sinh sản tự nhiên duy nhất của nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng như sói Ả rập, lửng mật, sươn dương Nubia, linh miêu tai đen… và là nơi có quần thể linh dương Ả rập hoang dã lớn nhất.

Khu bảo tồn được công nhận Di sản thế giới từ năm 1994. Đến năm 2007, sau khi phát hiện mỏ dầu nằm bên trong ranh giới khu bảo tồn, chính phủ Oman quyết định cắt giảm 90% quy mô của nó. Cùng với nạn săn bắn trái phép, đã có thời điểm số lượng linh dương Ả rập giảm xuống chỉ còn dưới 100 cá thể. Ngay sau quyết định của chính phủ Oman, tháng 6/2007, UNESCO loại khu vực này khỏi danh sách Di sản thế giới.

Thung lũng Elbe ở thành phố Dresden, Đức

Dọc theo sông Elbe, từ cung điện Übigau và cánh đồng Ostragehege ở phía tây bắc đến cung điện Pillnitz và đảo sông Elbe ở phía Đông Nam, khu vực thung lũng Elbe kéo dài khoảng 18km với những cảnh quan mang đậm không khí văn hóa, lịch sử. Nơi đây có những công viên lâu đời, từ TK XVI, những biệt thự và sân vườn từ TK XVIII, XIX, những dốc bậc thang dọc bờ sông được người dân dùng để trồng nho, hay những ngôi làng cổ vẫn giữ nguyên kiến trúc lịch sử.

Nhiều công trình của thời kỳ cách mạng công nghiệp vẫn được giữ nguyên trạng, như cầu thép Blue Wonder dài 147m xây dựng trong khoảng thời gian 1891-1893, tuyến đường sắt cáp treo thi công năm 1898-1901, đường sắt leo núi (1894-1895) và nhà máy đóng tàu từ khoảng năm 1900 vẫn đang hoạt động.

2-Thung-lung-Elbe-o-thanh-pho-2043-3630-

Thung lũng Elbe ở thành phố Dresden (Đức)

Mặc dù bị phá hủy nhiều phần trong Chiến tranh Thế giới II, khu vực thung lũng Elbe đã được khôi phục rất lâu trước khi UNESCO công nhận Di sản thế giới vào năm 2004. Đến năm 2007, Hội đồng thành phố Dresden khởi công cây cầu bốn làn xe chạy Waldschlösschen.

Quyết định này nhận được sự ủng hộ của đa số công dân Dresden, nhưng bị chính phủ Đức và UNESCO cảnh báo về việc dự án có thể gây ảnh hưởng đến canhrh quan lịch sử, tính chất di sản của địa phương, từ đó cũng sẽ tác động xấu đến hoạt động du lịch. Bất chấp những lo ngại và cảnh báo này, thành phố Dresden vẫn xây dựng cây cầu, và thung lũng Elbe chính thức bị UNESCO loại ra khỏi danh sách Di sản thế giới vào năm 2009.

Thành phố cảng Liverpool (Anh)

Là thành phố cảng trọng yếu trong thương mại hàng hải của thế giới hồi TK XVIII, XIX, có thể nói Liverpool giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của đế quốc Anh giai đoạn này. Nơi đây lưu giữ nhiều cảnh quan mang đậm dấu ấn lịch sử, tập trung, tạo nên một quần thể văn hóa độc đáo, với những công trình kiến trúc dân sự, thương mại, cầu cảng, hệ thống kênh đào… lâu đời vẫn còn sử dụng đến ngày nay.

3-Thanh-pho-cang-Liverpool-Anh-6046-1627

Thành phố cảng Liverpool (Anh)

Tuy nhiên, sau khi trở thành di sản thế giới vào năm 2004, đến năm 2012, thành phố này bị UNESCO đưa vào danh sách cảnh báo tổn hại nguy cấp. Lý do của cảnh báo là vì thành phố đã tiến hành một dự án hiện đại hóa mang tên Liverpool Waters. Mục tiêu của dự án này là hiện đại hóa các bến tàu, và trong quá trình thực hiện, nó đã kéo theo một loạt hoạt động xây dựng bao gồm các tòa nhà văn phòng, khách sạn, căn hộ… bị UNESCO đánh giá là gây phương hại đến những tính chất cốt lõi của di sản.

Kết

Hiện nay, toàn thế giới có 1.121 địa danh nằm ở 167 quốc gia khác nhau đã được UNESCO ghi nhận là các Di sản thế giới, dựa trên các đặc điểm về tự nhiên hoặc bản sắc văn hóa riêng có. Việt Nam cũng sở hữu 8 danh thắng nằm trong danh sách này, bao gồm Quần thể di tích Huế, vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ, quần thể danh thắng Tràng An.

Khi được UNESCO công nhận, các địa điểm sẽ trở nên nổi tiếng, nằm trong danh sách gợi ý của mọi hoạt động du lịch trên thế giới, thu hút khách tham quan, từ đó mở ra cơ hội phát triển không chỉ cho du lịch mà còn cho cả các ngành kinh tế bổ trợ ở địa phương. Sự công nhận của UNESCO cũng giúp các địa phương tiếp cận các nguồn quỹ bảo tồn vô cùng hữu ích của Liên Hợp Quốc.

Đồng thời việc này cũng đặt ra nhiều thách thức, làm sao để cân bằng giữa phát triển kinh tế, khoa học công nghệ và duy trì những giá trị cốt lõi. 53 trong số 1.121 địa danh thuộc danh sách Di sản thế giới đang xếp vào dạng bị đe dọa, hủy hoại nghiêm trọng do xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu, hiện đại hóa, hoặc thậm chí do chính hoạt động du lịch.

Các dự án phát triển mang lại việc làm cho người dân và tạo ra cuộc sống hiện đại, tốt đẹp hơn nhưng cũng gây tổn hại đến môi trường và các giá trị truyền thống. Đôi khi, dù là tìm hướng phát triển cân bằng hay phải lựa chọn trong việc đánh đổi giữa các giá trị, cũng đều là những nước đi vô cùng khó khăn và có thể dẫn đến những hậu quả cay đắng.

Câu chuyện từ 3 di sản bị loại bỏ đưa tới bài học đắt giá cho các quốc gia sở hữu di sản được công nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học từ những địa danh từng bị UNESCO loại khỏi danh sách Di sản thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO