Nhân hòa, yếu tố cốt lõi trong quản trị DN
Với tuổi đời, học hàm lẫn học vị và cả kinh nghiệm quản trị, sở hữu bằng TS ở ĐH Khoa học – Paris, từng làm Tổng giám đốc APAVE Asia – Pacific và đảm nhiệm CEO ở nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Công Phú sẽ phát huy kinh nghiệm, sở trường, sở đoản của mình và con “Mẹc” Hòa Bình có thể là phương tiện tuyệt vời để ông Phú lái trên đường cao tốc.
Song, những thực tế lình xình của Hòa Bình Group cho thấy, ông Phú đang dùng tư duy quản trị của các nước phương Tây để áp đặt vào Việt Nam, vì thế, chuyện quản trị khó thành công của ông Phú là điều khó tránh khỏi.
Với người Việt, để “mưu sự” thành công phải hội tụ đủ ba yếu tố: “Thiên thời- Địa lợi- Nhân hòa”. Trước sự bất lợi của “Thiên thời”, trước những gập ghềnh của “Địa lợi”, người quản trị giỏi phải đủ bản lĩnh để có được “Nhân hòa”.
Ông Nguyễn Công Phú dường như đã bỏ qua những yếu tố cốt lõi của việc mưu sự. Có thể ông không hiểu quy luật quản trị của người phương Đông hoặc hiểu nhưng đã xem thường nên bỏ qua. Chân ướt chân ráo tiếp quản “ghế nóng”, ông Phú đã làm ngay cái việc thanh tra tài chính một công ty con của Hòa Bình Group do ông Lê Viết Hòa (con ông Lê Viết Hải làm giám đốc). Thanh tra là việc cần thiết, nhưng thanh tra để trói buộc các sai phạm lại là chuyện khác.
Chưa hết, Hòa Bình Group dẫu là công ty đại chúng nhưng yếu tố gia đình trong đó vẫn rất nặng. Không chỉ là người sáng lập và gây dựng nên Hòa Bình từ con số không, ông Lê Viết Hải và người nhà của ông hiện sở hữu tới hơn 21% cổ phần của Hòa Bình Group. Ông Hải cũng thẳng thắn tiết lộ: “Tôi rút lui là để nhường chỗ cho con trai, Lê Viết Hiếu lên làm Tổng giám đốc”.
Khi được HĐQT bầu làm Chủ tịch, ông Nguyễn Công Phú không phải là cổ đông, lại càng không phải là cổ đông lớn, mà chỉ là “khách mời” của ông Hải.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, HĐQT là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Về lý thuyết, ông Phú là người đứng đầu HĐQT nhưng trên thực tế thì sau khi rút lui, ông Hải tuy không còn là Chủ tịch HĐQT nhưng vẫn là Chủ tịch Hội đồng sáng lập - một tổ chức mang nét riêng của Hòa Bình nhưng vẫn có tầm ảnh hưởng không kém HĐQT.
Cơ cấu nắm giữ cổ phiếu HBC. Ảnh đồ họa Doanh Nghiệp và Kinh Doanh |
Thực tế và tư duy quản trị không song hành
Mới đây, trước cơ quan báo giới, ông Phú tuyên bố: “Là một người theo chủ nghĩa tự do, độc lập nên không có chuyện tôi bị nhóm cổ đông lớn nào đó đứng sau giật dây cả…”. Rất hoan nghênh tinh thần độc lập của ông Phú và tình yêu tự do của ông, nhưng khi làm Chủ tịch HĐQT, muốn thành công, buộc phải hy sinh một chút cái tự do của mình. Có thể ông Phú không bị nhóm cổ đông nào giật dây nhưng ông không thể bỏ qua nguyện vọng của họ. Cổ đông mới là những ông chủ đích thực, đặc biệt là những cổ đông có họ Lê Viết, họ không chỉ là người sở hữu cổ phần mà còn là người gây dựng nên tập đoàn, họ cũng chính là người đã "vời" ông về tham gia thành viên HĐQT độc lập rồi lên làm Chủ tịch. Họ là cổ đông và họ có quyền lực thật, còn vị trí Chủ tịch của ông Phú quyền lực đến đâu đều phụ thuộc vào cố đông lớn nhất là nhà họ Lê Viết.
Tòa nhà Văn phòng Vinfast do Hòa Bình thi công là một trong những tòa nhà cao nhất của Hà Nội |
Chuyện ông Lê Viết Hải gây dựng nên một tập đoàn, từ chỗ công ty gia đình rồi đại chúng hóa doanh nghiệp này để thu hút thêm các nguồn lực ngoài xã hội là một lộ trình thường thấy ở các DN Việt. Đây cũng chính là xu hướng chung để nền kinh tế Việt hội nhập với thế giới.
Việc ông Hải thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực cho con trai là Lê Viết Hiếu vào ghế Tổng giám đốc với nhiệm kỳ 2 năm, về mặt đạo đức xã hội cũng không phải là điều sai trái phải lên án. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp, Tổng giám đốc không được có quan hệ trực hệ với Chủ tịch/Thành viên HĐQT.
Để không trái luật, ông Lê Viết Hải đã chấp nhận rút lui để ông Lê Viết Hiếu ngồi vững trên ghế Tổng giám đốc, sau khi đã phải tạm lui xuống chức Phó tổng giám đốc thường trực. Kể từ đầu năm 2023, ông Lê Viết Hải sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập - một cơ cấu mới được Hòa Bình lập ra lần đầu tiên, nhằm bảo đảm vị thế cho ông Hải sau các diễn biến trên.
Được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Công Phú phải gánh vác trọng trách quản lý công ty, từng bước đưa Hòa Bình Group thoát khỏi những khó khăn về tài chính. Để làm được điều đó, trước hết ông Phú phải có được “Nhân hòa” làm điểm tựa, là sợi dây gắn kết mọi thành viên trong ban lãnh đạo, trước khi triển khai kế hoạch kế tiếp.
Con xe “Mẹc” đã không thể tăng tốc trên con “đường làng” chỉ vì ở đó, ẽ kinh nghiệm quản trị trong các DN ở nước ngoài không giúp được nhiều trong việc ông Phú tiếp quản một DN Việt, hơn thế nữa lại là DN có gốc là một công ty gia đình đang trong giai đoạn chuyển đổi.
Kỳ 3: Gót chân Achilles của ông Lê Viết Hải