Bài 3: Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh

Nguyễn Hoàng| 13/07/2021 08:00

Thúc đẩy phát triển thương mại song phương theo hướng cân bằng và có lợi cho cả Việt Nam và Trung Quốc đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

nhap-sieu-TQ-8822-1626062222.jpg

Nhập siêu từ Trung Quốc đã quay trở lại vào nửa đầu năm 2021, trong bối cảnh quan hệ thương mại hai nước đang trên đà phát triển. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại Việt - Trung từ hơn 30 triệu USD năm 1991 tăng lên 22,5 tỷ USD năm 2009 và đạt mức 133,09 tỷ USD vào năm 2020. 

Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2020, tăng hai bậc so với năm 2019. Việt Nam đang là thị trường cung ứng hàng hóa lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Trung Quốc - theo thống kê của Hải quan Trung Quốc. 

Dẫu vậy, không thể phủ nhận vẫn còn một số vấn đề phức tạp gây trở ngại cho quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.  

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 17,63 tỷ USD, tăng tới 82% so với cùng kỳ năm trước.

Việc Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thương mại của Việt Nam hơn hẳn so với các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, các nước thuộc khu vực ASEAN là điều cần được quan tâm. 

Hơn 10 năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dù tăng đều, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng của nhập khẩu, lại tập trung nhiều nhất ở nhóm hàng tiêu dùng, xăng dầu, không mang lại nhiều lợi nhuận. Trong khi đó, phần lớn nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam lại được nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Tính đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Cán cân thương mại của Việt Nam đối với thị trường này vẫn trong xu hướng thâm hụt lớn.  Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2020 đạt 133,09 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tới Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng 17,9%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 84,1 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc 35,2 tỷ USD, tăng 3,74% so với năm 2019.

Nếu Trung Quốc có những thay đổi như điều chỉnh chính sách thương mại hoặc áp dụng các biện pháp bảo hộ hàng xuất khẩu trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, cấm hoặc hạn chế mặt hàng xuất nhập khẩu cụ thể nào đó thì nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp sản xuất.

Theo TS. Bùi Thị Minh Nguyệt - Đại học Lâm nghiệp, sản xuất, kinh doanh trong nước đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Nếu không đa dạng hóa cả thị trường xuất khẩu lẫn nhập khẩu, Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về lĩnh vực thương mại.

Nếu Trung Quốc có những thay đổi như điều chỉnh chính sách thương mại hoặc áp dụng các biện pháp bảo hộ hàng xuất khẩu trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, cấm hoặc hạn chế mặt hàng xuất nhập khẩu cụ thể nào đó thì nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp sản xuất.

Với thực trạng nền kinh tế còn yếu và đang phát triển, việc Việt Nam phải nhập siêu từ các thị trường, bao gồm Trung Quốc là điều dễ hiểu. Nhưng từ nhiều năm qua, các bộ, ngành và doanh nghiệp vẫn muốn kéo giảm nhập siêu từ Trung Quốc nhưng vẫn chưa thành công.

Giới phân tích cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội để Việt Nam giảm lệ thuộc khi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc bị đứt gãy, để từ đó giảm bớt nhập siêu. Muốn vậy, Việt Nam càng phải đa dạng hóa thị trường, mà muốn đa dạng thị trường thì phải tăng cường đầu tư để có sản phẩm đạt chất lượng quốc tế. Chỉ có như vậy mới nâng cao hiệu quả thương mại không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà còn với đối tác nhiều quốc gia trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 3: Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO