Giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ
Hiện Chính phủ đang có nhiều giải pháp hỗ trợ các DN vừa và nhỏ. Về chính sách thuế, có chính sách giảm, giãn thuế thu nhập DN, thuế VAT… Về lao động tiền lương, có chính sách giảm, giãn bảo hiểm xã hội hoặc có thể cho vay ứng lương (vay tín chấp để DN trả cho người lao động) từ NH chính sách xã hội địa phương.
Ngoài ra còn có các chính sách giảm, giãn tiền thuê đất, điện... và nhiều chính sách theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.
Việc Chính phủ hỗ trợ DN ở nhiều khía cạnh cùng lúc giúp DN từng bước củng cố, cấu trúc lại “sức khoẻ tài chính” để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn. Điều này thể hiện sự đồng hành của Chính phủ và các bộ ngành đối với nhóm DN nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch.
Giải pháp hỗ trợ từ ngân hàng
Các NHTM cũng đang có nhiều chương trình hỗ trợ DN hết sức thiết thực. Chẳng hạn như tại NH Bản Việt, ngay từ năm 2020 NH đã triển khai nhiều chương trình và được thực hiện cho đến nay. Cụ thể, giảm lãi suất từ 0,5-2% cho các DN nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Điều này giúp DN nhỏ và vừa giảm ngay áp lực tài chính, tập trung nguồn vốn kinh doanh vào hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó giảm sự đứt gãy chuỗi cung ứng chung cho nền kinh tế. Song song đó, NH cũng miễn giảm các loại phí giao dịch tại quầy, miễn phí giao dịch trên các kênh điện tử.
Năm 2021, không chỉ NH Bản Việt mà nhiều NH khác như VPBank, Sacombank...tiếp tục đưa thêm các gói hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa có các hoạt động liên quan đến bảo lãnh, xây dựng, xây lắp và các DN xuất nhập khẩu.
Thủ tục đơn giản là điều rất quan trọng, giúp các DN nhanh chóng tiếp cận các chính sách… Trong đó, các tiêu chí để nhận diện DN bị ảnh hưởng Covid (nặng, trung, nhẹ) cần phải rõ ràng, thống nhất từ các cấp nhân viên trong NH, tránh gây khó dễ, thủ tục rườm rà… cho DN. Những DN đã nằm trong vùng cách ly hay DN có văn bản yêu cầu tạm ngưng hoạt động của các cơ quan phải được xem là nhóm DN đã bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh giảm lãi suất, hệ thống NH còn hỗ trợ các DN tái cấu trúc tài chính, dòng tiền để họ nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn kinh doanh khi hoạt động trở lại. Cụ thể, nhiều NH đang áp dụng giải pháp cho vay thêm, cho vay mới, kéo dài thời gian vay… với hạn mức được nới rộng thêm 10% và tăng tỷ lệ cho vay lên đến 100% trên hạn mức có sẵn của DN.
Điều này giúp DN có ngay nguồn vốn kinh doanh bổ sung mà không phải mất nhiều thời gian cho các thủ tục và cũng không phải loay hoay tìm thêm tài sản đảm bảo. NH cũng bổ sung các sản phẩm, nghiệp vụ gia tăng dòng tiền cho DN như thẻ tín dụng, thấu chi tài khoản DN.
Ngoài ra, NH cũng áp dụng thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước một cách linh hoạt, chủ động tư vấn sâu về các giải pháp cơ cấu nợ bao gồm gốc, lãi.
Nhưng để có nguồn vốn, dòng tiền cho DN tái sản xuất, kinh doanh, chỉ có chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các NHTM không thôi chưa đủ mà còn cần sự nỗ lực của chính DN.
Để có nguồn vốn, dòng tiền cho DN tái sản xuất, kinh doanh cần 3 nhóm giải pháp triển khai cùng lúc |
Giải pháp thứ ba: sự nỗ lực từ chính doanh nghiệp
Các DN phải hướng tới việc phát triển kinh doanh trong tương lai, chủ động rà soát, đánh giá lại nguồn nhân lực, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, tâm lý người lao động thường không ổn định, vì vậy, phải có chính sách, chương trình phù hợp để giữ chân người tài.
DN nên rà soát đánh giá lại lĩnh vực kinh doanh nội tại về mức độ phù hợp trong hiện tại, bổ sung thêm ngành hàng, lĩnh vực mới nếu cần, nỗ lực tìm kiếm, tận dụng thị trường… để vượt qua khó khăn, tạo nền tảng phát triển trong điều kiện bình thường mới sau đại dịch.
DN nên ứng dụng công nghệ, số hóa để giảm chi phí vận hành, chuyên môn hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện các NHTM đã triển khai rất nhiều giải pháp số, qua đó tạo điều kiện giao dịch thuận tiện, không cần phải đến NH, đồng thời lại được miễn giảm 100% phí giao dịch.
Bên cạnh đó, DN phải cập nhật thường xuyên các chỉ đạo của Chính phủ, địa phương để có những giải pháp kinh doanh linh hoạt trong và sau dịch.
Với các DN hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, khách sạn, rạp chiếu phim, F&B, xuất nhập khẩu…, nên rà soát chi phí, nhân sự, tìm kiếm phương thức hoạt động mới, đối tượng khách hàng mới… Thậm chí, có thể chuyển dần sang các ngành nghề kinh doanh mới hoàn toàn nhưng có nhu cầu khá tốt trong và sau dịch như ngành tiêu dùng thiết yếu (cung cấp thực phẩm qua kênh online).
Và dù ở hình thức nào, các DN cũng phải bảo đảm an toàn, duy trì hoạt động tối thiểu phù hợp và triển khai sản xuất, kinh doanh lại từng bước chậm mà chắc. Ví dụ từ 30% hoạt động tăng lên 50%, rồi lên 70% và tiếp tục tăng lên 100% theo từng bước giảm giãn cách của Chính phủ và địa phương.
(*) Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Bản Việt