Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa kỳ (FED) Janet Yellen |
Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa kỳ (FED) Janet Yellen vừa được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử chức vụ Bộ trưởng Tài chính. Vị trí này, nếu được Thượng viện chuẩn y vào năm sau, có thể khiến bà trở thành nhân vật quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong quá khứ, Yellen đã thừa nhận những lo ngại về các hoạt động công nghiệp của Trung Quốc, song lập trường chính sách của bà về Trung Quốc vẫn ít được biết đến. Dù vậy, cần biết rằng, cựu Chủ tịch FED là một người ủng hộ thương mại tự do và hệ thống thương mại quốc tế - dấu hiệu cho thấy bà, cũng như nhiều người trong nhóm của ông Biden, có thể sẽ là người có tiếng nói ôn hòa hơn với Bắc Kinh.
"Nếu bạn nhìn vào lịch sử của bà ấy, bà ấy đã ôn hòa hơn trong các vấn đề Trung Quốc so với hầu hết những người trong chính quyền Trump", Clete Willems - một cựu đàm phán thương mại của Nhà Trắng, nhận xét.
"Tôi nghĩ rằng chính quyền Biden muốn ưu tiên đối thoại và liên lạc, cố gắng xoa dịu một số căng thẳng. Tôi nghĩ đó là điều cần theo dõi rất kỹ ở đây để xem bà ấy sẽ đóng vai trò gì", Willems nói với CNBC. Và, dưới đây là một số nhận xét trước đây của Yellen về vấn đề thương mại và Trung Quốc.
Chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ
Tháng 6/2018 - bốn tháng sau khi từ chức Chủ tịch FED, Yellen đã nêu lo ngại rằng, Mỹ dưới thời Trump đang quay đầu và rời xa hệ thống đa phương, dựa trên quy tắc mà họ từng là nhà vô địch. Bà nói tại một sự kiện của Credit Suisse: "Chúng tôi đang thấy sự rút lui rất lớn khỏi các nguyên tắc mà Mỹ đã tuân theo và tất cả các tổ chức mà chúng tôi đã xây dựng trong thời kỳ hậu chiến".
"Chống lại chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ mạnh mẽ một hệ thống đa phương dựa trên các quy tắc là những gì Mỹ đã cổ vũ và thúc đẩy như một hệ thống toàn cầu. Tuy nhiên, đây là một bộ nguyên tắc mà Mỹ vừa mới bỏ qua và không sẵn lòng xác nhận sẽ tiếp tục con đường đó hay không", bà nói thêm.
Phát ngôn trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trump năm 2018 đã áp đặt hoặc đe dọa thuế quan với các đối tác thương mại lớn như Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Ông Trump thường đơn phương thực hiện các động thái áp đặt thuế và qua mặt các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông cũng gọi hệ thống mà WTO đứng đầu là "vô dụng" và không ít lần đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi nó.
Theo Yellen, "có một số vấn đề thương mại hợp lệ với Trung Quốc và có lẽ với châu Âu, nhưng chúng tôi luôn tiếp cận việc giải quyết những vấn đề này một cách có trật tự, tương ứng với các nguyên tắc của WTO và các nguyên tắc thương mại lâu đời".
"Và tôi vô cùng lo lắng khi thấy Mỹ áp dụng các cách tiếp cận song phương và hành động đơn phương", bà nói.
Dưới thời Trump, Mỹ đã quay lưng với nhiều hiệp định thương mại và tổ chức quốc tế, liệu điều này có thay đổi trong thời Biden? |
Mối quan tâm của Mỹ về Trung Quốc
Đến nay, bà Yellen hiếm khi lộ ra các dấu hiệu cho thấy cách bà sẽ tiếp cận các cuộc đàm phán với Trung Quốc thế nào. Dù vậy, nữ cựu Chủ tịch FED từng nhiều lần thừa nhận các vấn đề gây tranh cãi mà quan hệ Mỹ - Trung đang đối mặt.
Tại Diễn đàn Tài chính châu Á ở Hồng Kông vào tháng 1 năm nay, Yellen cảnh báo rằng, các vấn đề như trợ cấp của nhà nước Trung Quốc cho doanh nghiệp nhà nước và sự cạnh tranh Mỹ - Trung trong lĩnh vực công nghệ - vấn đề liên quan đến lo ngại về an ninh quốc gia, là "khá khó giải quyết".
Theo báo cáo, những vấn đề đó sẽ gây ra "các hậu quả rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu". Theo Yellen, hai nước không tìm được điểm chung có thể làm tổn hại đến tiến bộ công nghệ và chia cắt thế giới thành hai nhóm cạnh tranh - điều sẽ cản trở thương mại và hội nhập toàn cầu.
Link bài viết
Cựu Chủ tịch FED cũng nhắc lại điều này tại một sự kiện của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 2/2020, cho rằng Mỹ đã nêu ra "nhiều lo ngại hợp lệ" về quan hệ thương mại với Trung Quốc. Bà Yellen đồng thời trích dẫn các vấn đề như vấn đề cưỡng bức chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài cho đối tác Trung Quốc, cũng như cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ.
"Tôi nghĩ đây là những vấn đề thực sự quan trọng mà chúng ta phải bắt đầu giải quyết", bà Yellen nói.
Thuế quan của Mỹ với Trung Quốc
Trong khi nhận ra những lo ngại của Mỹ về Trung Quốc, Yellen dù vậy tỏ ra hoài nghi về việc sử dụng thuế quan sẽ giúp Mỹ đạt được mục tiêu. Tại một sự kiện của WB, bà chỉ ra rằng, việc Mỹ cùng Trung Quốc đạt được "thỏa thuận đình chiến" thông qua thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" là một "điều lành mạnh và tốt" cho niềm tin kinh doanh. Nhưng, thỏa thuận đã để lại mức thuế cao, và điều này có hại cho doanh nghiệp Mỹ.
"Bạn biết đấy, khi nhìn vào các doanh nghiệp ở Mỹ, nếu động cơ của việc áp thuế là để làm cho các nhà sản xuất Mỹ cạnh tranh hơn và tăng triển vọng việc làm trong lĩnh vực sản xuất ở Mỹ, tôi sẽ nói rằng chúng ta chưa thấy điều đó", bà nói.
"Một mặt, thuế quan có khả năng bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ; nhưng mặt khác, chúng đóng vai trò như thuế quan đối với các yếu tố đầu vào trung gian quan trọng đối với các doanh nghiệp này. Và nhìn chung, đối với tôi, có vẻ như việc áp thuế không mang lại lợi ích, nếu nhìn từ góc độ tạo thêm công ăn việc làm ở Mỹ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất", bà bổ sung.