Mỹ định đưa chủ sở hữu giàn khoan Hải dương 981 vào danh sách đen

Khởi Vũ| 30/11/2020 04:00

Theo nguồn tin độc quyền của Reuters, chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ đưa thêm 4 công ty Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó có chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 - Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc.

Dù chưa rõ danh sách chính thức khi nào sẽ được công bố, song theo các nguồn tin, 4 công ty bị liệt vào danh sách đen mới gồm Công ty TNHH Công nghệ Xây dựng Trung Quốc, Công ty Tư vấn Kỹ thuật Quốc tế Trung Quốc, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) và Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).

Reuters nhận xét, động thái này nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty này với các nhà đầu tư Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng Bắc Kinh - Washington leo thang. Theo đó, lệnh hành pháp do Tổng thống đương nhiệm Donald Trump ban hành sẽ ngăn nhà đầu tư Mỹ mua chứng khoán của các công ty nói trên kể từ cuối năm sau.

Vào đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) đã có kế hoạch chỉ định thêm 4 công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc hậu thuẫn này vào danh sách đen, và nếu được chính thức đưa vào, tổng số lượng công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng sẽ lên 35.

Giàn khoan Hải dương 981

Giàn khoan Hải dương 981

89 công ty Trung Quốc "trong tầm ngắm"

Cách đây 1 tuần, Reuters cũng dẫn nguồn tin cho biết, Mỹ sắp đưa 89 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, do có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc. Danh sách 89 công ty này được đưa vào bản dự thảo xác định công ty Trung Quốc và Nga mà Mỹ coi là "có người sử dụng cuối cùng là quân đội Trung Quốc".

Trong dự thảo, Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, việc có thể kiểm soát dòng chảy công nghệ Mỹ đến các công ty bị đưa vào danh sách là "điều quan trọng để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ". Danh sách 89 công ty kể trên có cả Commercial Aircraft Corp. of China Ltd. (Comac) và Aviation Industry Corp. of China Ltd. (AVIC). Riêng các gã khổng lồ khác như Hikvision, China Telecom và China Mobile đã bị thêm vào danh sách từ đầu năm nay.

Link bài viết

Hiện, Comac là nhà sản xuất máy bay thay cho Boeing lẫn Airbus, và hiện đang sản xuất máy bay cho các hãng hàng không lớn của Trung Quốc. Công ty đang sản xuất một mẫu máy bay một lối đi được thiết kế để cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus A320, đồng thời đang trong giai đoạn đầu phát triển máy bay thân rộng. 

Trong khi đó, AVIC là một tập đoàn thuộc sở hữu Nhà nước với hơn 100 công ty con và hơn 450.000 nhân viên, cũng như là cổ đông của Comac. Tháng 6 qua, chính quyền Trump đã thêm AVIC vào danh sách các công ty chịu sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc. Công ty này cũng đang vận hành mảng kinh doanh sản xuất máy bay và máy bay tư nhân, trong đó một số linh kiện để sản xuất máy bay này đến từ liên doanh với công ty Mỹ.

Được biết, việc đề ra danh sách 89 công ty này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nhà Trắng công bố lệnh hành pháp nhằm tìm cách cấm các nhà đầu tư Mỹ mua chứng khoán của các công ty trong danh sách đen này từ tháng 11/2021.

Động thái này "giúp đảm bảo không người Mỹ nào vô tình trợ cấp cho chiến dịch thống trị công nghệ trong tương lai của Trung Quốc", Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Gallagher - người đã đưa ra yêu cầu cấm các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen khỏi thị trường vốn của Mỹ, nói.

Mỹ sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc

Trong khi đó, việc đưa thêm 4 công ty mới vào danh sách đen hôm nay được cho là để củng cố di sản chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc của ông Trump, đồng thời đặt ông Biden vào lập trường buộc phải cứng rắn với Bắc Kinh do sức ép từ cả hai đảng.

Dù nước Mỹ có tổng thống mới hay không, lập trường cứng rắn với Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ được duy trì.

Dù ông Biden có làm tổng thống mới hay không, lập trường cứng rắn với Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ được duy trì.

Theo Washington, Bắc Kinh đang tranh thủ tận dụng các tập đoàn mới nổi để khai thác công nghệ dân sự, nhằm phục vụ cho mục đích quân sự. Và, danh sách đen là để nhằm ngăn chặn điều này. Có thể thấy, Quốc hội và chính quyền Washington đang ngày càng tìm nhiều cách để hạn chế khả năng tiếp cận thị trường vốn Mỹ của các công ty Trung Quốc, ngay cả khi điều đó sẽ làm tổn hại lợi ích của Phố Wall.

Về phía Bắc Kinh, Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc Trung Quốcvào tháng 10 đã thông qua luật mới, hạn chế các mặt hàng xuất khẩu "nhạy cảm", để bảo vệ an ninh quốc gia. Luật sẽ áp dụng cho tất cả doanh nghiệp ở Trung Quốc (gồm cả công ty có vốn đầu tư nước ngoài) và có hiệu lực từ ngày mai - 1/12/2020.

Theo luật mới, Trung Quốc sẽ xây dựng, điều chỉnh và công bố danh sách các mặt hàng bị kiểm soát xuất khẩu vào thời điểm thích hợp, với "mục đích là bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia". Luật sẽ cho phép Bắc Kinh "thực hiện các biện pháp có qua có lại" đối với bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào lạm dụng kiểm soát xuất khẩu cũng như đe dọa an ninh, lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Như vậy, luật mới này có thể trở thành công cụ chính sách đắc lực, giúp Bắc Kinh đáp trả lại các động thái của chính quyền Trump nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc trong những tháng gần đây, khi bị Washington hoặc cấm, hoặc đưa vào danh sách đen, với lý do đe dọa an ninh quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ định đưa chủ sở hữu giàn khoan Hải dương 981 vào danh sách đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO