Australia và "cuộc chiến" chống thỏ hoang châu Âu

BẢO HÀ| 01/09/2022 06:00

Cuộc xâm chiếm Australia của loài thỏ châu Âu là một trong những cuộc xâm lấn sinh học nghiêm trọng và tàn khốc nhất mà lịch sử ghi nhận.

Australia và

Thỏ hoang tập trung uống nước - Ảnh: CNN

Tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences cho biết, loài thỏ hoang châu Âu đang bị coi là một loại động vật xâm chiếm ở Australia. Nông dân Australia cho biết loài vật này có khả năng sinh sôi theo cấp số nhân và phá hoại mùa màng, đất đai, từ đó dẫn tới các hiện tượng xói mòn đất diện rộng và nhiều vấn đề môi trường khác 

“Các cuộc xâm lấn sinh học là nguyên nhân chính gây gián đoạn về môi trường và kinh tế. Cuộc xâm chiếm Australia của loài thỏ châu Âu là một trong những cuộc xâm lấn sinh học nghiêm trọng và tàn khốc nhất mà lịch sử ghi nhận”, các tác giả nghiên cứu viết.

Thảm họa từ thú vui

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân gây ra thảm họa sinh học bắt nguồn từ những con thỏ hoang do Thomas Austin - một người Anh sinh sống ở Australia trong 13 năm -  mang đến. Năm 1859, người dân tại Australia không có nhiều lựa chọn cho thú vui săn bắn. Với suy nghĩ đem thỏ thả vào thiên nhiên để có loài vật săn bắn cho vui, người đàn ông đến từ nước Anh này đã đưa 24 con thỏ vượt đại dương từ châu Âu sang Mebourne. Chỉ trong vòng 3 năm, số lượng thỏ sau khi nhân giống và sinh sôi đã lên tới hàng nghìn con. Chỉ sau 50 năm, loài thỏ hoang đã lan ra khắp châu Đại Dương. Tại riêng Australia, có tới 200 triệu thỏ hoang nhảy nhót mỗi ngày.

Ông Joel Alves - nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, chỉ ra việc ông Thomas mang thỏ hoang tới Australia đã gây ra thảm họa to lớn ở nước này. Australia đã bị thỏ hoang xâm chiếm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử so với các loài động vật có vú khác.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là cuộc xâm lấn sinh học điển hình nhất mọi thời đại là vì thay đổi môi trường của Australia và cấu tạo gien của thỏ hoang châu Âu.

Theo tài liệu phân tích di truyền, trong khi thỏ Australia có những đặc điểm đã được thuần hóa như không còn bản tính hung dữ, đôi tai mềm mại và màu sắc đẹp mắt, thì những con thỏ được mang đến Australia từ Anh có tổ tiên là loài thỏ hoang.

Những con thỏ này có tính thích nghi rất cao và đặc điểm này đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy chúng sinh sôi trên khắp lục địa. Tất cả những gì thỏ cần là lớp đất phù hợp để đào hang và cỏ để gặm. Vì yêu cầu điều kiện sống khá dễ dàng, loài thỏ hoang có thể thích nghi với môi trường sống mới như sa mạc và đồng bằng của Australia tương tự như đồng cỏ ở châu Âu.

Ngoài đặc điểm dễ thích nghi, thỏ hoang châu Âu còn có khả năng sinh con với số lượng lớn. Chúng có thể sinh sản ngay khi chưa trưởng thành và có thể sinh sản quanh năm. Thỏ hoang châu Âu có thể sinh ít nhất 4 lứa mỗi năm, trung bình từ 2 đến 5 thỏ con mỗi lứa.

Đối phó với cuộc xâm lấn từ thỏ

Số lượng thỏ tại Australia nhiều đến mức chúng phá hủy mùa màng và đất đai, dẫn đến hiện tượng xói mòn đất. Những con thỏ không chỉ tàn phá các vùng đất trồng trọt của Australia mà còn góp phần làm suy giảm các loài động thực vật bản địa. Trong Đạo luật Bảo vệ Môi trường Thịnh vượng Chung và Bảo tồn Đa dạng Sinh học 1999, Australia cũng coi các tác động khác nhau của loài thỏ hoang, ví dụ như xói mòn đất, là một nguy cơ đe dọa. Không chỉ vậy, bệnh dịch ở thỏ đã xảy ra nhiều lần trên khắp các vùng của Australia trong nhiều thập kỷ.

Các nhà nghiên cứu của chính phủ, các nhà sinh vật học, nông dân đều đã cố gắng kiểm soát cuộc xâm lấn của thỏ hoang. Các chuyên gia đã thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau để quản lý quần thể thỏ, bao gồm dựng hàng rào, sử dụng chất độc và mầm bệnh.

Vài thập kỷ sau khi những con thỏ đầu tiên đến Australia, chúng trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với người nông dân. Ban đầu, nông dân và chính quyền trung ương tính xây hàng rào để ngăn lũ thỏ phá hoại mùa màng. Chính phủ thậm chí còn xây dựng một hàng rào trải dài khắp Tây Australia song phương pháp đó thất bại.

Tiếp đến, nông dân Australia tính đến phương án phá hủy hang thỏ dưới lòng đất. Không có hang ẩn náu, thỏ sẽ mất đi nơi an toàn để sinh sản và nuôi con. Đây cũng là một trong số ít phương pháp đã được chứng minh hiệu quả trong việc kiểm soát quần thể thỏ.

Trong những năm 1950, Chính phủ Australia chuyển sang biện pháp kiểm soát sinh học. Họ đã thả những con thỏ bị nhiễm myxoma - một loại virus gây bệnh ở thỏ - vào vùng Đông Nam đất nước. Virus myxoma là virus đầu tiên được đưa vào tự nhiên một cách có chủ đích để diệt trừ một loài động vật. Virus myxoma dẫn đến bệnh myxomatosis, một căn bệnh chỉ giết chết thỏ. Mặc dù virus myxoma khiến một phần thỏ hoang tại Australia chết song cuối cùng, chúng vẫn phát triển khả năng miễn dịch với loại virus này.

Virus gây bệnh xuất huyết thỏ (RHDV) là một mầm bệnh khác mà các nhà khoa học thả vào tự nhiên để diệt trừ thỏ hoang. Loại virus này có thể giết chết thỏ trong 48 giờ sau khi mắc bệnh. Năm 1996, RHDV đã giảm số lượng thỏ ở Australia lên tới 90% ở những khu vực đặc biệt khô hạn. Do ruồi là vật trung gian truyền virus nên bệnh không ảnh hưởng đến thỏ hoang châu Âu sống ở các vùng có khí hậu mát mẻ và lượng mưa nhiều tại Australia. Tương tự trường hợp virus myxoma, những con thỏ hoang bắt đầu phát triển khả năng miễn dịch trước RHDV.

Virus không phải là biện pháp duy nhất nhằm kiểm soát quần thể thỏ hoang châu Âu. Một trong những hóa chất chính được sử dụng để đầu độc thỏ là natri fluoroacetate. Chất này gây tỷ lệ tử vong rất cao, lên tới hơn 90%. Carbon monoxide và phosphin cũng được sử dụng để hun trùng hang và giết chết bất kỳ con thỏ nào sống bên trong.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn nỗ lực tìm hiểu các mầm bệnh hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn thỏ hoang xâm lấn.

(Theo baotintuc.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Australia và "cuộc chiến" chống thỏ hoang châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO