Sáng 2/11 tại Bắc Kinh, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc bị triệu tập đến một cuộc họp tại Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, chỉ vài ngày trước hôm dự kiến phát hành lần đầu ra công chúng của công ty tài chính Ant Group.
Theo nguồn tin của Bloomberg, cuộc họp kết thúc mà không có cuộc thảo luận nào về vụ IPO của Ant. Nhưng đó là dấu hiệu cho thấy mọi thứ sẽ không diễn ra theo kế hoạch.
Việc đột ngột hoãn thương vụ 35 tỷ USD đã đẩy gã khổng lồ fintech của tỷ phú Jack Ma vào trạng thái hỗn loạn. Sự kiện cho thấy ngay cả doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc cũng khó tránh khỏi những quyết định bất ngờ từ giới chức trách Bắc Kinh, khi chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách siết chặt quy định với nền kinh tế thứ hai thế giới.
Các nhà đầu tư quốc tế đau đầu tìm câu hỏi cho 72 tiếng hỗn loạn. Tại sao Trung Quốc lại hoãn đợt IPO của Ant vào phút chót sau nhiều tháng chuẩn bị tỉ mỉ? Tương lai của một trong những công ty quan trọng nhất đất nước Trung Quốc sẽ ra sao?
Tài sản của tỷ phú Jack Ma bốc hơi 3 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg. |
Sự cố IPO
Hôm 2/11, tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch Eric Jing và CEO Simon Hu đã gặp gỡ đại diện của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước. Cuối ngày hôm đó, CSRC đăng một bài đăng khó hiểu về "cuộc phỏng vấn giám sát" với ông Ma, gây nên sự hoang mang từ Hồng Kông đến New York.
Khoảng 20g00 ngày 3/11, sàn giao dịch chứng khoán thành phố thông báo với Ant về việc đợt IPO sẽ bị tạm dừng. Trong tuyên bố chính thức, cơ quan này cho biết có sự "thay đổi đáng kể" trong môi trường pháp lý và cung cấp một số chi tiết bổ sung về lý do các nhà chức trách hủy niêm yết.
Tại một cuộc họp vội giữa Ant và CSRC tối hôm đó, các quan chức chỉ ra công ty cần thêm vốn và giấy phép mới để tuân thủ những quy định dành cho các tập đoàn tài chính. Những quy định này bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11. Không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc khi nào đợt IPO được khởi động lại.
Bên cạnh những quy tắc quản lý công ty Trung Quốc mới, chính phủ còn đưa ra dự thảo quy định nghiêm ngặt đối với các khoản vay tiêu dùng, yêu cầu Ant cung cấp ít nhất 30% tài trợ cho khoản vay, so với 2% của Ant hiện tại.
Sự cố IPO của Ant khiến sàn chứng khoán Hồng Kông lao dốc. Ảnh: Bloomberg. |
Hôm 4/11, CSRC cho biết việc ngăn chặn đợt IPO "vội vàng" của Ant trong môi trường quy định đang thay đổi là động thái có trách nhiệm đối với thị trường và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một số người đưa ra giả thuyết rằng chính quyền ông Tập Cận Bình muốn gửi đi một thông điệp. Ông Ma đã phải đối mặt với sự chỉ trích của truyền thông nhà nước sau khi "hạ bệ" các quy tắc tài chính địa phương tại một hội nghị kinh doanh ở Thượng Hải hôm 24/10.
Phát biểu của ông Ma được đưa ra sau khi Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn kêu gọi cân bằng giữa đổi mới và các quy định mạnh mẽ để ngăn chặn rủi ro tài chính.
"Dường như dù cố ý hay không, ông Ma đã công khai thách thức và chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc đối với các quy định tài chính", ông Andrew Batson, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại hãng Gavekal Research, viết trong một báo cáo.
Theo nguồn tin của Bloomberg, các nhà quản lý có kế hoạch ngăn ngân hàng sử dụng nền tảng cho vay trực tuyến của Ant. Đây là trọng tâm của mô hình cho vay dựa trên hoa hồng của công ty. Mảng kinh doanh này đã tạo 29 tỷ NDT (4,4 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2020.
"Quá lớn, quá nhanh"
Một số nhà đầu tư đang chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn hơn của cả Ant lẫn phần còn lại của đế chế kinh doanh của tỷ phú Jack Ma. Hôm 3/11, cổ phiếu Alibaba giảm hơn 8% tại New York, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm. Cú giảm khiến tài sản của ông Ma sụt gần 3 tỷ USD xuống còn 58 tỷ USD, kéo ông xuống vị trí thứ 2 trong danh sách người giàu nhất Trung Quốc.
Sự cố IPO cũng làm dấy lên những lo ngại về cam kết minh bạch của Trung Quốc. Hôm 3/11, các nhà quản lý tiền tệ đồng loạt gọi đến ngân hàng của Ant. Chỉ 1 đến 2 tiếng trước thông báo tạm hoãn IPO, nhóm quan hệ đầu tư của Ant vẫn đang tìm cách xác nhận tham dự buổi tiệc sau IPO ở Hồng Kông.
Một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của công ty dự đoán sự việc có thể gây tổn hại lâu dài đến niềm tin vào thị trường vốn Trung Quốc.
Sự kiện cũng có thể có tác động lan tỏa đối với Hồng Kông. Theo ước tính, gần 20% cư dân thành phố đã đăng ký mua cổ phiếu Ant. Nhiều người giờ loay hoay với việc trả lãi vay cho các khoản vay ký quỹ không đem lại lợi ích gì.
“Sự thiếu minh bạch nhắc nhở chúng ta rằng 'cách của Trung Quốc' vẫn còn đầy rẫy vấn đề”, tác giả Fraser Howie bình luận.
Giới chức trách Trung Quốc lo ngại Ant của tỷ phú Ma "quá lớn và quá nhanh". Ảnh: Reuters. |
Đối với bản thân Ant, không chắc việc tạm ngừng IPO sẽ giáng một đòn chí mạng. Tính đến tháng 6, công ty vẫn còn 71 tỷ NDT (10,62 tỷ USD) tiền mặt, và là một trong những tổ chức quan trọng nhất về mặt hệ thống của Trung Quốc.
Rủi ro có khả năng xảy ra hơn là sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng chóng mặt, cũng như mức định giá cao ngất ngưởng. Những quy định mới của Trung Quốc sẽ buộc công ty phải hoạt động giống như một doanh nghiệp cho vay truyền thống, thay vì nhà cung cấp dịch vụ công nghệ cho ngành tài chính.
Sự ra đời của đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến vị thế thống trị của Ant trong lĩnh vực thanh toán và nhiều hoạt động kinh doanh khác của công ty.
Tất cả điều đó sẽ là tin xấu đối với các cổ đông đã đẩy giá trị của Ant lên 315 tỷ USD. "Nhưng nó thích hợp với những quan chức Trung Quốc lo ngại đứa con của ông Ma đã phát triển quá lớn, quá nhanh", các chuyên gia của Bloomberg nhận định
(Theo Zing News)