7 dấu ấn nổi bật của thị trường BĐS năm 2015

NGUYÊN BẢO| 31/12/2015 08:35

Để có cái nhìn toàn diện về thị trường BĐS một năm qua, Báo Doanh Nhân Sài Gòn trích lược những điểm nổi bật qua những sự kiện tiêu biểu.

7 dấu ấn nổi bật của thị trường BĐS năm 2015

LTS: Năm 2015, thị trường bất động sản (BĐS) có nhiều cột mốc quan trọng, chẳng hạn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì, số lượng và giá trị hàng tồn kho giảm, nhiều "siêu dự án" nhà ở lộ diện, các quy định bảo vệ quyền lợi của người mua được thực thi... Để có cái nhìn toàn diện về thị trường BĐS một năm qua, Báo Doanh Nhân Sài Gòn trích lược những điểm nổi bật qua những sự kiện tiêu biểu. 

Đọc E-paper

1. Vốn FDI trong lĩnh vực BĐS tiếp tục được duy trì

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/12/2015, cả nước thu hút khoảng 22,7 tỷ USD vốn FDI, trong đó, lĩnh vực đầu tư và kinh doanh BĐS đứng thứ 3 với 2,39 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đăng ký.

Năm trước, kinh doanh BĐS đứng thứ 2 (sau chế biến, chế tạo) với 35 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đăng ký.

2. Lượng giao dịch tăng, hàng tồn kho giảm

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), tính đến ngày 20/11/2015, lượng tồn kho BĐS của cả thị trường còn 53.245 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 75.303 tỷ đồng. Trong đó tồn kho căn hộ chung cư còn 8.817 căn, tương ứng hơn 13.200 tỷ đồng.

Riêng thị trường căn hộ tại TP.HCM, theo Sở Xây dựng TP.HCM, năm 2012 đến nay, hàng tồn kho giảm 76,5%, từ 14.490 căn xuống còn 3.402 căn.

Nhìn chung, trong 11 tháng đạt khoảng 24.300 giao dịch, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2014. Điều đáng nói là trong năm 2015, tại TP.HCM, thị trường BĐS tiếp tục hồi phục với sự ra mắt của nhiều khu căn hộ lẫn nhà thấp tầng.

3. Tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho thị trường BĐS

Từ ngày 1/7/2015, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực. Theo những quy định mới, người nước ngoài được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam.

Lần đầu tiên, quyền lợi người mua nhà được quan tâm khi Luật Kinh doanh BĐS quy định doanh nghiệp BĐS phải được ngân hàng bảo lãnh khi bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 07/2015 được (quy định về bảo lãnh) thì danh sách 33 ngân hàng có đủ điều kiện bảo lãnh cho chủ đầu tư BĐS bán, cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai cũng được công bố.

Thêm nữa, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi cũng quy định mức vốn pháp định tối thiểu 20 tỷ đồng là điều kiện cần khi thành lập doanh nghiệp BĐS...

4. Hạ tầng "kích" thị trường BĐS TP.HCM

Năm 2015, những thông tin về quy hoạch và một số công trình hạ tầng có quy mô lớn được triển khai đã "kích" thị trường BĐS ở vài khu vực cửa ngõ tạo sức bật mạnh mẽ.

Chẳng hạn như tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TP.HCM (Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên), cầu Rạch Chiếc (thuộc đường Vành đai trong, thành phần của đường Vành đai 2) được đẩy nhanh tiến độ đã tác động đáng kể đến thị trường BĐS, hàng loạt dự án nhà ở, gồm căn hộ trung cao cấp và nhà ở thấp tầng của các chủ đầu tư Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, SonkimLand, Keppel Land Việt Nam, Khang Điền... đã được khởi động.

Thông tin về việc TP.HCM sẽ xây dựng hoặc giao cho doanh nghiệp đầu tư nút giao thông Mỹ Thủy (Cát Lái, quận 2), nút giao thông cầu vượt - hầm chui giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) đã "đánh thức" nhiều dự án nhà ở tại khu Nam Sài Gòn (dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ) cũng như quận 2 (khu Cát Lái), quận 9. việc Công ty Đại Quang Minh, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đầu tư các tuyến đường nội bộ, cầu Thủ Thiêm 2, cầu đi bộ (nối Thủ Thiêm với quận 1) đã tạo đòn bẩy quan trọng để khu đô thị mới Thủ Thiêm thu hút nhà đầu tư.

Năm 2015, khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đón 1,2 tỷ USD cho Thành phố Đế Vương (Empire City) của liên doanh nhà đầu tư trong nước (Công ty BĐS Trần Thái, Công ty BĐS Tiến Phước) và nhà đầu tư ngoại là Công ty Denver Power Ltd., thuộc Tập đoàn tài chính đa quốc gia Gaw Capital Partners.

5. Tín dụng BĐS tăng

Từ năm 2012 - 2014, tín dụng BĐS đạt tốc độ tăng trưởng lần lượt là 14%, 14,7% và 15,2%. Chín tháng của năm 2015, cho vay BĐS tăng trưởng 14,59%, cao hơn 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (ước cả năm 2015, tăng trưởng tín dụng dụng đạt khoảng 18%).

Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước (quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có hiệu lực từ đầu năm 2015, với việc giảm hệ số rủi ro cho vay BĐS từ 250% xuống 150% đã phần nào khơi thông vốn vào thị trường BĐS.

Điều này cộng với sự hồi phục của thị trường, nguồn cung nhiều, giá cả sản phẩm hợp lý đã có tác động đến mức hấp thụ của thị trường nhà ở (trên 50% dư nợ tín dụng BĐS là các khoản vay xây dựng, mua nhà, sữa nhà...).

6. Lộ diện nhiều "siêu dự án"

Ngoài khu đô thị mới Sala (chính thức mở bán sản phẩm trong năm 2015) tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Vinhomes Central Park (tại khu Tân Cảng Sài Gòn, quận Bình Thạnh), năm 2015, nhiều BĐS nhà ở có quy mô lớn đã lộ diện hoặc tái khởi động, cụ thể như khu phức hợp Ba Son (Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng, quận 1), khu phức hợp Cảng Sài Gòn (quận 4, TP.HCM) và khu đô thị lấn biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ).

Những khu này dự kiến sẽ có sản phẩm đưa ra thị trường từ năm 2017. Hầu hết 3 BĐS lớn vừa nêu đều có sự tham gia của Vingroup với vai trò là nhà đầu tư chiến lược hoặc chủ đầu tư.

Bên cạnh các BĐS có quy mô lớn, một số nhà đầu tư đã đón làn sóng IPO của doanh nghiệp nhà nước, kêu gọi vốn đầu tư từ doanh nghiệp sở hữu các "khu đất vàng" để "tiến vào trung tâm" như trường hợp Novaland hợp tác với Sabeco triển khai khu đất nằm trên mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Quận 1.

7. BĐS nghỉ dưỡng tái khởi động mạnh mẽ

Từ cuối năm 2008 - 2013, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng (chủ yếu tại các địa phương có thế mạnh về du lịch) gần như trầm lắng.

Nhưng từ nửa cuối 2014 và cả năm 2015, nhiều BĐS nghỉ dưỡng lớn ở Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa), Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc (Kiên Giang) khởi động mạnh mẽ. Đáng chú ý là ở Phú Quốc, tính đến cuối quý 3/2015, đã có khoảng 70% công trình trên tổng số 200 dự án đăng ký được triển khai, với số vốn lên trên 160.000 tỷ đồng (gần 8 tỷ USD).

Các nhà đầu tư Vingroup, Sungroup, BIM Group,... đều có các khoản đầu tư lớn tại Phú Quốc.

Điển hình như khu vườn bách thú Safari của Vingroup với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng trên diện tích 500ha, cáp treo dài nhất thế giới và quần thể khu vui chơi giải trí biển Hòn Thơm của Sun Group với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cảng tàu biển hành khách quốc tế với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng cũng đã được khởi công cuối tháng 4/2015. Công trình này giúp Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu có sức chở 5.000 - 6.000 người khi hoàn thành vào năm 2017.

Đáng chú ý là sự kiện đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm ra Phú Quốc với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng được coi là cú hích để huyện đảo này chuyển qua một thời kỳ phát triển mới. Cùng với Phú Quốc, nhiều công trình ở Mũi Né, Cam Ranh cũng đã khởi động.

>10 vấn đề thời sự nổi bật trong năm 2015

>10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2015

>9 xu hướng nổi bật của kinh tế thế giới năm 2015

>Năm 2015: Bức tranh tăng trưởng khá hỗn độn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
7 dấu ấn nổi bật của thị trường BĐS năm 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO