Với vẻ quyến rũ tự nhiên, nhân vật điệp viên James Bond (bí danh 007) có thể thoát khỏi mọi tình huống khó khăn. Nguồn: Getty Images |
Có một số người dường như sở hữu "khả năng đặc biệt". Họ bước vào một căn phòng toàn người lạ, nhưng lại rời khỏi đó với 10 người bạn mới, một cuộc hẹn ăn trưa vào ngày hôm sau, và một cơ hội kinh doanh mới nào đó. Tại sao "những người may mắn" này có vẻ như không cần cố gắng mà vẫn có thể trở nên thu hút, trong khi nhiều người phải rất vất vả mới làm được điều đó?
Đây không phải là một "nghệ thuật" như nhiều người nghĩ, ngược lại nó hoàn toàn là một kỹ năng mà khoa học chứng minh chúng ta có thể rèn luyện.
Các yếu tố cho thấy chúng ta chiếm được cảm tình của người khác, tạo được ấn tượng với họ, có thể bắt đầu thậm chí trước khi họ tiếp xúc với chúng ta. Alexander Todorov – Giáo sư tâm lý tại Đại học Princeton chứng minh rằng, mọi người có thể đưa ra phán đoán về năng lực, độ tin cậy và sự thu hút của một ai đó sau khi nhìn vào mặt họ ít hơn 1/10 giây.
Phán đoán nhanh về một cái gì đó chỉ dựa vào hình thức bề ngoài có vẻ hơi hời hợt, nhưng chúng ta luôn làm việc này dù không nhận ra. Và, "cơ chế" này thực sự tạo ra tác động lớn. Chẳng hạn, nó ảnh hưởng đến cách chúng ta đưa ra một lá phiếu bầu cử. Một nghiên cứu đã chỉ ra, diện mạo gương mặt có thể được sử dụng để dự đoán kết quả những cuộc bầu cử Thượng viện Mỹ. Tương tự, "cơ chế" này cũng tác động đến kết quả các cuộc bầu cử chính trị ở Bungari, Pháp, Mexico và Brazil.
Những phán đoán ta đưa ra dựa vào khuôn mặt người khác cũng gây ảnh hưởng đến các quyết định tài chính của chúng ta. Trong một cuộc thử nghiệm, những người vay tiền được phán đoán là "ít đáng tin cậy" có xu hướng khó được chấp nhận khoản vay trên một website cho vay ngang hàng. Những người cho vay đã đưa ra phán đoán dựa trên diện mạo bên ngoài, bất chấp những thông tin cá nhân cụ thể của người vay như tình trạng việc làm, lịch sử tín dụng…
Sau đây là những cách để khi bước vào một căn phòng toàn những gương mặt mới, bạn có thể khiến mọi người muốn tìm hiểu về mình:
1. Bật "chế độ" gương mặt hạnh phúc
Có thể bạn không thể điều chỉnh những đặc điểm cố định trên gương mặt mình, nhưng bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh biểu cảm gương mặt và mỉm cười. Dựa vào các số liệu nghiên cứu về những đặc điểm làm tăng hoặc giảm độ tin cậy của khuôn mặt, Todorov khẳng định, một gương mặt càng hạnh phúc thì càng đáng tin cậy hơn. "Mọi người sẽ đánh giá một gương mặt tươi cười là đáng tin cậy hơn, ấm áp hơn và hòa đồng hơn", ông giải thích.
Tuy nhiên, nếu ấn tượng đầu tiên chúng ta tạo ra không được tốt như mong đợi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục "thuyết phục" họ quên nó. "Chúng ta có thể "ghi đè" lên ấn tượng ban đầu mà mọi người đánh giá mình dựa trên vẻ bề ngoài. Khi gặp ai đó, ở khoảnh khắc có được thông tin tốt về họ, bạn sẽ lập tức thay đổi cách nhìn ban đầu", Todorov nói.
Vì vậy, nếu bạn có thể tạo thiện cảm với ai đó bằng những thông tin tốt, họ thường sẽ quên đi những điều họ nghĩ về bạn ở giây phút ban đầu, thậm chí khi những điều đó có chiều hướng tiêu cực.
2. Tự rèn luyện, thay đổi mình
Sự thu hút có thể mang đến nhiều lợi ích trong sự nghiệp của chúng ta. Các doanh nhân có kỹ năng xã hội tốt hơn sẽ dễ thành công hơn, những nhân viên được yêu thích sẽ có con đường sự nghiệp thuận lợi hơn. Một nghiên cứu của Đại học Massachusetts chứng minh, những kiểm toán viên nội bộ được yêu thích khi đưa ra vấn đề cần tranh luận có xu hướng dễ nhận được sự đồng tình từ nhà quản lý hơn.
GS. Suzanne de Janasz ở Đại học Seattle nói rằng, những kỹ năng tương tác, giao tiếp đang trở nên ngày càng quan trọng trong môi trường làm việc vì cấu trúc phân cấp tại các công ty ngày càng suy giảm trong những năm gần đây.
Trên tất cả, hãy rèn luyện khả năng trở nên quyến rũ, thu hút hơn. Nhà tâm lý học Jack Schafer - một đặc vụ Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về hưu, tác giả cuốn sách The Like Switch (tạm dịch: Công thức để được yêu thích), đã viện dẫn trường hợp của Johnny Carson (1925 - 2005) - người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Mỹ.
Carson là người chỉ thích ở một mình, nhưng lại học được cách hoàn toàn thoải mái, tự tin trước ống kính. Ông từng nói với Los Angeles Times rằng 98% thời gian sau khi quay hình, ông thường chỉ đi về nhà chứ không cùng tham gia vào cuộc vui với những người nổi tiếng khác.
"Carson là một người cực kỳ hướng nội nhưng đã tự rèn luyện mình để trở thành một người hướng ngoại. Ngay khi chương trình kết thúc, ông lập tức trở về nhà, nhưng trên tivi, ông vốn nổi tiếng là người hay pha trò và cười đùa", Schafer mô tả. Nguồn: Getty Images |
3. Hãy nhướng lông mày
Vậy chúng ta cần làm gì để trở nên quyến rũ hơn? Schafer nói rằng sự quyến rũ bắt đầu với một cử chỉ đơn giản của đôi lông mày. "Não của chúng ta luôn "khảo sát" môi trường để tìm ra tín hiệu của một mối quan hệ bạn bè hay thù địch. Sau đây là 3 điều quan trọng cần làm khi tiếp cận người khác để thể hiện chúng ta không phải là một mối đe dọa: một cú nhướng lông mày lên và xuống trong khoảng 1/6 giây, một cái nghiêng nhẹ đầu và một nụ cười", Schafer gợi ý.
Chiếc chìa khóa tiếp theo để trở nên quyến rũ hơn là tương tác về người khác, nghĩa là không nói về chính mình. Schafer nói: "Quy tắc vàng của một mối quan hệ tốt là nếu bạn khiến người khác cảm thấy tốt, họ sẽ thích bạn". Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả khi bạn thể hiện sự quan tâm thực sự tới những điều họ nói.
Những nhận định bày tỏ sự đồng cảm có thể phản ánh điều mà người khác đang cảm nhận. "Có một lần tôi gặp một sinh viên ở thang máy, trông cậu ta có vẻ rất hài lòng. Tôi nói "Trông như bạn đang có một ngày rất tốt". Cậu ấy liền kể với tôi về cách mình vừa vượt qua một bài kiểm tra sau khi dành nhiều tuần để học bài. Điều đó giúp cậu ấy cảm thấy tốt về bản thân mình", Schafer kể.
Nếu biết nhiều hơn về người mình đang trò chuyện cùng, bạn còn có thể tạo ra hiệu quả nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, nếu biết về tuổi tác của ai đó, bạn có thể nói về một chủ đề cụ thể về họ: "Bạn mới 30 tuổi nhưng đã làm được công việc đó. Không nhiều người làm được khi còn trẻ như thế"…
Còn GS. Suzanne de Janasz thì cho biết, trong một tình huống giao tiếp lần đầu, nếu đã nghe được thông tin gì đó về người đối diện, chúng ta có thể hỏi: "Tôi nghe nói điều tuyệt vời đó đã xảy ra với bạn, tôi rất muốn được nghe về câu chuyện đó"…
4. Tìm chủ đề chung
GS. Suzanne de Janasz cũng gợi ý nên chú trọng đến chủ đề chung với người đối diện, thậm chí khi ý kiến của chúng ta đối lập với họ. Những người quyến rũ thường thông thạo kỹ năng tìm kiếm chủ đề chung với người mình đang tương tác, dù họ cũng không có quá nhiều thứ để nói.
"Khi không đồng ý, cũng hãy cố gắng thực sự lắng nghe người khác hơn là phản ứng ngay lại. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người thông minh thường có xu hướng làm như vậy. Dù khi bạn hoàn toàn không tán thành ý kiến của họ, hãy tiếp tục xem xét kỹ hơn, có thể bạn vẫn đồng ý với họ vài điểm nào đó, ít nhất là về mặt nguyên tắc", bà gợi ý. Bà cho biết thêm, "theo dòng thời sự" là một ý tưởng hay, vì đó là điểm chung của phần lớn mọi người.
Schafer cũng khuyên chúng ta nên tìm nhiều điểm chung trực tiếp hoặc gián tiếp để tương tác với người khác, chẳng hạn: "Bạn đến từ California? Tôi cũng vậy", hoặc "Tôi hy vọng bạn sẽ ghé thăm California vào năm sau", "Con gái tôi cũng đang làm việc cho một công ty ở Thung lũng Silicon"…
5. Lưu tâm đến ngôn ngữ cơ thể
Một chìa khóa nữa để trở nên quyến rũ là "phản chiếu" ngôn ngữ cơ thể của người khác. Khi mọi người đang trò chuyện và bắt đầu "phản chiếu" ngôn ngữ cơ thể của người khác, đó là một dấu hiệu cho thấy họ đang có một mối quan hệ tốt, theo Schafer.
"Vì vậy, bạn có thể tận dụng "thủ thuật" này, hãy "nhân bản" người đối diện để thể hiện cho họ thấy rằng bạn đang có một mối quan hệ tốt. Đây cũng là một cách tốt để kiểm tra xem cuộc trò chuyện sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào. Nếu bạn thay đổi vị trí và người khác "sao chép" hành động của bạn, đó là dấu hiệu tốt. Những người làm trong ngành sale thường tận dụng khoảnh khắc này để thuyết phục bạn mua hàng", Schafer tiết lộ.
Một sai lầm chung mà nhiều người trong chúng ta mắc phải, đó là làm cho người mới quen có cảm giác "quá tải" bởi quá nhiều thông tin về chính chúng ta. Thay vào đó, Schafer gợi ý rằng chỉ nên tiết lộ về bản thân mình từng chút từng chút một. Những "mảnh thông tin nhỏ" như vậy sẽ khơi gợi được sự tò mò nơi người đối diện – yếu tố giúp duy trì hiệu quả một mối quan hệ.
Tuy nhiên, cũng có những tình huống mà bạn bị buộc phải kết thân với ai đó trong một khoảng thời gian ngắn. Với 20 năm làm việc tại FBI, có "chuyên môn" khiến người khác phải tiết lộ những thông tin bí mật, Schafer chia sẻ chiến thuật tạo điều kiện để đối phương trả lời những câu hỏi cá nhân. Cụ thể, những tuyên bố giả định như "Trông bạn có vẻ đang khoảng 25 – 30 tuổi" thường sẽ khiến người khác phản ứng lại bằng cách đưa ra thông tin xác nhận "Vâng, tôi 30 tuổi" hoặc thông tin đính chính "Không, tôi 35 tuổi".
"Qua nghiên cứu cho thấy, tôi có được các câu trả lời cung cấp thông tin cá nhân càng nhanh thì mối quan hệ đó càng nhanh tiến triển. Và nếu tôi đang muốn bán thứ gì đó, tôi càng nhanh thúc đẩy mối quan hệ và khiến bạn nói ra nhiều thông tin cụ thể về cuộc sống của bạn, bạn càng nhanh xem tôi như một người bạn, và tôi có thể bán được món hàng nhanh hơn", Schafer lý giải.
Nếu cách đó không thành công, vẫn còn một cách để thu hút người khác, đó là dành nhiều thời gian ở gần họ. Trong cuốn The Like Switch, Schafer có kể một giai thoại khi còn làm việc ở FBI, về vụ một gián điệp nước ngoài bị giam giữ tại Mỹ. Mỗi ngày, Schafer chỉ đến và ngồi trong phòng giam của người này để… đọc báo. Đến cuối cùng, nỗi sợ hãi đã bị thay thế bởi sự tò mò và gián điệp đó bắt đầu trò chuyện với ông.
"Lúc đầu, tôi còn giữ khoảng cách. Nhưng sau đó mỗi ngày, tôi dần nghiêng đầu về phía anh ta, tăng cường tương tác mắt một chút…", ông kể. Phần việc đó phải mất nhiều tháng, nhưng cuối cùng, Schafer đã có được điều ông muốn.