39 tỷ USD xuất khẩu trong năm Covid-19: Dệt may nâng vị thế trên bản đồ thế giới

Phạm Văn Việt*| 08/02/2022 02:30

Để phát triển bền vững, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần định vị lại vị thế. Không còn đơn thuần là gia công công đoạn lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá, mà phải sớm chuyển đổi sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, tự thiết kế mẫu mã và sở hữu nhãn hàng riêng.

Thích nghi để tăng trưởng

Năm 2021, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam bài toán khó về việc thích nghi với thời cuộc. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và sự nhạy bén, áp dụng các phương thức sản xuất chưa từng có như "ba tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến", "bốn xanh", các doanh nghiệp dệt may đã nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Nhờ đó, khép lại năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may vẫn đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. 

Chỉ tính riêng Việt Thắng Jean, đến hết tháng 11/2021, công ty đã xuất xưởng 1,2 triệu sản phẩm sang 8 nước châu Âu. Hiện quần áo của Việt Thắng Jean đã lên kệ ở khắp châu Âu để bán vào dịp năm mới. Công ty đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2022.

Imports-25-of-30-jpeg.jpg

Theo báo cáo "Thống kê thương mại thế giới năm 2021" của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 8/2021,  Việt Nam đã vươn lên thứ hai thế giới về xuất khẩu hàng may mặc, xếp sau Trung Quốc và vượt Bangladesh. Sản phẩm may mặc "made in Vietnam" chiếm 6,4% thị phần thế giới.

Covid-19 làm khách hàng chuyển đổi thói quen sang mua sắm trực tuyến thay vì chỉ mua trực tiếp tại các cửa hàng. Cơ cấu mặt hàng cũng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản. Bên cạnh đó, ở các quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu, do "làm việc tại nhà" khiến các loại quần áo năng động, quần áo thể thao được ưu chuộng hơn các loại quần áo công sở. Việc thay đổi chủng loại sản phẩm cùng với kênh bán hàng trực tuyến đã tác động đến việc doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận thị trường. 

Năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt 4,9%. Riêng nhu cầu sản phẩm dệt may thế giới sẽ quay trở lại bằng mức của năm 2019, đạt khoảng 740 tỷ USD. 

Phát triển bền vững là xu thế toàn cầu

Cơ hội xuất khẩu đối với sản phẩm dệt may của Việt Nam rất lớn, nhất là tính đến tháng 11/2021, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường, như EVFTA, CPTPP... mới đây nhất là RCEP. Nhưng để được hưởng lợi từ các FTA này, ngoài yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, các nhãn hàng còn yêu cầu quy trình sản xuất xanh, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội...

Một cuộc điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu của Tập đoàn McKinsey vào tháng 4/2020 cho thấy, 60% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho thời trang là xu hướng trong ngắn hạn và trung hạn; về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường, xã hội của các nhãn hàng thời trang.

Tính bền vững của chuỗi giá trị ngày càng quan trọng đối với các thương hiệu và người tiêu dùng, không chỉ về việc sử dụng nguyên liệu tái chế (open-loop recycling), mà còn với việc tái chế hàng may mặc, tái chế khép kín (closed-loop recycling) giúp giảm thiểu chất thải.

Imports-26-of-30-jpeg.jpg

Sức ép từ người tiêu dùng sẽ là đòn bẩy để các nhãn hàng cam kết và cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi sản xuất, cung ứng và ngành dệt may Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng này.

Không phải đến thời điểm hiện tại vấn đề phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam mới được chú trọng mà do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp càng nhận thức rõ tầm ảnh hưởng của phát triển bền vững. Nếu không có sự liên kết chuỗi, không chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã không thể duy trì được sản xuất để giao hàng đúng tiến độ cho khách hàng.

Để phát triển bền vững, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần định vị lại vị thế. Không còn đơn thuần là gia công công đoạn (CMT) lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá, mà phải sớm chuyển đổi sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế mẫu mã) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng).

Thực tiễn cho thấy, đầu tư cho công nghệ, quy trình sản xuất "xanh" hay xây dựng thương hiệu riêng không dễ dàng, giá thành cũng không rẻ, doanh nghiệp cần có nguồn vốn, nguồn nhân lực trình độ cao cũng như hành lang pháp lý thông thoáng. Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhưng số lượng chưa nhiều.

Cần thiết phải quy hoạch và xây dựng một trung tâm thiết kế thời trang tại TP.HCM - địa phương đóng góp hơn 35% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước. Trung tâm được xem là chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may cho TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, thông qua 4 chức năng chính là đào tạo thiết kế, giới thiệu nguyên phụ liệu, quảng bá sản phẩm thương hiệu và khu lưu trú cho người lao động.

Trong đó, chú trọng chức năng đào tạo nhân lực để "sản sinh" các nhà thiết kế giỏi, xây dựng được thương hiệu riêng, nâng cao chuỗi giá trị và khẳng định vị thế doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên bản đồ ngành dệt may thế giới.

Mục tiêu 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tăng lên 55-60 tỷ USD, nhưng số lượng lao động duy trì ở mức như hiện nay (2,5 triệu lao động công nghiệp), năng suất lao động trên đầu người tăng 150%. Các mục tiêu và giải pháp cho phát triển bền vững: giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng cách áp dụng công nghệ nhuộm không nước, sử dụng máy nhuộm dung tỷ thấp 1:3 thay cho 1:8 hiện nay.

Sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Tổng thể giảm trên 40% lượng nước sử dụng trong ngành nhuộm. Sử dụng ít nhất 20% xơ polyeste tái chế, 15% bông organic để giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc năng lượng tái tạo. Sử dụng robot ở những vị trí làm việc có nguy hại môi trường. Tích hợp dữ liệu lớn trong ngành dệt may Việt Nam và liên thông với môi trường dữ liệu của các nhà mua hàng, nhà điều hành chuỗi cung ứng toàn cầu.

(*) Tác giả là Phó chủ tịch AGTEK, Nhà sáng lập thương hiệu V-SixtyFour

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
39 tỷ USD xuất khẩu trong năm Covid-19: Dệt may nâng vị thế trên bản đồ thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO