12 ngân hàng vào bảng Banking 500 2023 Ranking là Vietcombank (137), Agribank (159), BIDV (161), Techcombank (163), VietinBank (171), VPBank (173), MB (230), ACB (273), Sacombank (354), HDBank (400), SHB (420) và VIB (492). Trong 12 ngân hàng này, chỉ có duy nhất Agribank giảm hạng từ 157 xuống 159, 10 ngân hàng khác tăng hạng còn VIB lần đầu vào danh sách này.
Như vậy, Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng nhà băng vào top 500. Tiếp theo là Indonesia và Philippines (cùng có 9 ngân hàng), Malaysia (8 ngân hàng), Thái Lan (6 ngân hàng) và Singapore (3 ngân hàng). Các ngân hàng Việt Nam cũng dẫn đầu ASEAN về tổng số hạng được thăng. Cụ thể, 12 ngân hàng Việt Nam thăng được 296 hạng, tiếp theo là Indonesia thăng 79 hạng, Singapore thăng 20 hạng, trong khi Thái Lan tụt 25 hạng, Malaysia tụt 56 hạng, Philippines tụt 80 hạng.
Trong bảng xếp hạng năm nay, giá trị thương hiệu của các ngân hàng Trung Quốc có xu hướng giảm, giúp các thương hiệu đến từ Mỹ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Dù vậy, ICBC vẫn là thương hiệu ngân hàng giá trị nhất trên thế giới (giảm 7% xuống còn 69,5 tỷ USD), tiếp theo là Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (giá trị thương hiệu giảm 4% xuống còn 62,7 tỷ USD) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (giá trị thương hiệu giảm 7% xuống còn 57,7 tỷ USD).
Báo cáo Brand Finance Banking 2023 cũng chỉ ra một số xu hướng chính trong ngành ngân hàng thế giới. Trong đó, Brand Finance cho rằng lãi suất tăng ở nhiều thị trường giúp doanh thu thuần và lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trong ngắn hạn; đồng thời, các chỉ số nghiên cứu giá trị thương hiệu đã được cải thiện, với danh tiếng trung bình của lĩnh vực này tăng 0,1 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, một trong những xu hướng quan trọng trong lĩnh vực này là các ngân hàng số, chẳng hạn như Revolut (giá trị thương hiệu tăng 57% lên 194 triệu USD), đã tạo ra tác động đáng kể trong ngành và lần đầu tiên lọt vào top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất.