Xuất sữa sang Trung Quốc qua đường chính ngạch

Nguyễn Hoàng| 29/11/2019 01:00

Những lô sữa tươi đầu tiên của Việt Nam mang thương hiệu TH true Milk của Tập đoàn TH đã được xuất sang Trung Quốc qua đường chính ngạch, theo nghị định thư được hai nước ký tháng 4/2019.

Xuất sữa sang Trung Quốc qua đường chính ngạch

Hiện Trung Quốc đang xem xét để cấp mã số xuất khẩu cho 4 doanh nghiệp sữa khác của Việt Nam. 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sữa tiềm năng của Việt Nam, tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp (DN) của Việt Nam có khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật mà Trung Quốc dựng lên. Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), muốn xuất khẩu sữa vào Trung Quốc, DN phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch trong quy trình giám sát. Những quy định này Trung Quốc không chỉ áp dụng đối với sản phẩm từ thực vật nhập khẩu, mà còn với sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Trung Quốc siết chặt các quy định về nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu qua đường tiểu ngạch đã làm giảm sút hàng nông sản của Việt Nam xuất sang đại lục. Việc mở cửa thị trường, theo ông Hòa là khâu mấu chốt để xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, nhưng vấn đề này “không thể giải quyết trong ngày một ngày hai”. Đã trải qua gần 6 năm cho việc hoàn thiện hồ sơ và đánh giá rủi ro để sữa của Việt Nam có thể vào được thị trường Trung Quốc. 

Tập đoàn TH cũng phải mất hơn 4 năm chuẩn bị mới đưa được sản phẩm vào thị trường Trung Quốc. Bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Giám đốc Kinh doanh Quốc tế của Tập đoàn TH cho biết, phía Trung Quốc đã xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của TH true Milk trước khi cấp mã số và cho phép nhập khẩu. Để người tiêu dùng Trung Quốc nhận diện thương hiệu TH true Milk, từ năm 2015, Tập đoàn đã phải đầu tư tài chính và nhân lực khá lớn cho xúc tiến thương mại, tham dự các hội chợ ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Ninh, đồng thời nghiên cứu kỹ văn hóa kinh doanh, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

Phải đến năm 2016, TH mới có cơ hội tiếp cận các cơ quan chức năng của Trung Quốc và nghe về các yêu cầu nhập khẩu sữa của nước này, để đến năm 2017, Tập đoàn thành lập Công ty TH Quảng Châu và đăng ký bảo hộ thương hiệu TH tại Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ xem xét để cấp mã số xuất khẩu sau khi có kết quả của Đoàn Hải quan Trung Quốc sang thăm trang trại của TH vào tháng 6/2018 để tìm hiểu quy trình sản xuất, điều kiện an toàn vệ sinh và số lượng đàn bò. 

Dù vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường rất lớn về tiêu thụ sữa và nhập khẩu sữa. Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD sữa và sản phẩm từ sữa. Theo dự báo của FAO, nhu cầu nhập khẩu sữa của nước này còn tăng mạnh và sữa nhập khẩu có thể chiếm tới 45% tổng nhu cầu sữa của Trung Quốc vào năm 2025. Trong khi đó, sữa là một trong những sản phẩm được hy vọng mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cho ngành chăn nuôi của Việt Nam. Số liệu của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, tổng sản lượng sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu năm 2018 đạt gần 12.000 tấn, tăng gần 90% so với năm 2017. Nếu như năm 2015 cả nước mới chỉ có ba DN đăng ký kiểm dịch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang 10 nước, thì đến nay các loại sữa của Việt Nam đã có mặt tại gần 50 quốc gia trên thế giới. Hiện Việt Nam có khoảng 60 DN sản xuất và kinh doanh sữa với hơn 300 nhãn hàng. 

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của DN Việt Nam là yếu tố cần, nhưng để tăng xuất khẩu sữa và các mặt hàng nông sản khác sang Trung Quốc qua đường chính ngạch, có 4 vấn đề cần rốt ráo triển khai. Thứ nhất, DN dẫn dắt. Với năng lực của DN nhỏ và vừa hiện nay sẽ không đủ sức vào thị trường Trung Quốc, trong khi nghiên cứu thị trường rất tốn kém. Việt Nam cần những DN “đầu tàu” đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Thứ hai, xây dựng tổ chức kinh tế của nông dân. Nếu nông dân chưa trở thành người lao động chuyên nghiệp, khó nói đến chuyện đứng trong chuỗi giá trị nông sản. Thống kê cho thấy hiện có hơn 50% hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nhưng rất ít hợp tác xã vào được chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng nông sản.

Thứ ba, chính sách của Nhà nước. Đất đai là tài sản của quốc gia nhưng cần được “trao lại” cho những người có năng lực tổ chức sản xuất  để tạo ra giá trị cao nhất. Thứ tư, nông dân làm thị trường, trong khi DN đảm nhiệm phần dẫn dắt, khai phá thị trường. Sản xuất trên diện tích lớn hơn 10ha là tiêu chuẩn đầu tiên để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất sang Trung Quốc. Do đó, chính sách đất đai của nước ta cần tạo điều kiện cho nông dân và DN sản xuất lớn để xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc.

Một thực tế không thể phủ nhận, các DN sữa đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai nghị định thư xuất khẩu sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo Tập đoàn TH, sữa tươi TH true Milk đã được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận. Tuy nhiên, để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, bà Thanh Thủy vẫn mong nhận được sự hỗ trợ hơn nữa của Chính phủ. Theo bà Thủy, Chính phủ cần sớm có quy định về quy chuẩn quốc gia các mặt hàng nông sản theo chuẩn quốc tế, đặc biệt là những quy định chuẩn về sữa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất sữa sang Trung Quốc qua đường chính ngạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO