“Tuần hàng nông sản Việt Nam - Hà Nội 2018” tổ chức tại Rungis, Pháp |
Cửa rộng cho xuất khẩu. Thống kê cho thấy, nhóm ngành hàng rau củ quả lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD trong vòng 6 tháng trở lại đây. Bên cạnh hàng nông sản chủ lực là gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều thì những sản phẩm khác như mật ong, củ mì, khoai lang, khoai môn, chuối, mít... vốn là những sản phẩm có giá trị thấp và đầu ra không ổn định nay có nhiều cơ hội vào EU với số lượng lớn. Đây là tiền đề cho những kế hoạch đầu tư dài hơi cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Nguyễn Võ Tuấn Huy - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Long Uyên cho biết: “Từ trước đến nay, xuất khẩu hàng nông sản vào EU cạnh tranh rất vất vả với các nước khác như Thái Lan, Philippines do công nghệ sản xuất, chế biến lạc hậu cộng thêm gánh nặng thuế xuất khiến cho giá cao hơn khoảng 15-20% so với sản phẩm cùng loại của họ. Lợi thế về thuế suất không phải là tất cả mà chúng ta phải tìm cách nâng cao giá trị xuất khẩu bằng việc hỗ trợ nông dân cải tiến kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình thu hoạch, bảo quản để đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn tươi, ngon, có giá trị dinh dưỡng cao”.
Và những rào cản. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của ngành nông nghiệp nói chung và hàng nông sản nói riêng, nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối diện với nhiều thách thức, như thiếu năng lực chế biến chuyên sâu, chưa có những thương hiệu mạnh, thiếu chỉ dẫn địa lý; từ sản xuất, chế biến cho đến thị trường phải chia sẻ lợi nhuận qua nhiều khâu trung gian đã làm giảm đáng kể lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, trên 70% nguyên liệu đầu vào của nông sản phải nhập khẩu và thu mua từ nông dân, số còn lại do doanh nghiệp tự đầu tư sản xuất. Chuỗi sản xuất, chế biến thiếu tính liên kết. Vùng nguyên liệu thường xa nhà máy chế biến làm tăng chi phí vận chuyển và dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo.
Mặt khác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi ở nước ta rất khó kiểm soát. Trong khi EU đề cao chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ có những quy định cực kỳ nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản. Còn công đoạn thu hoạch, sơ chế của ta phần lớn làm thủ công trong điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt không chỉ khó khăn trong việc đáp ứng quy chuẩn mà còn dẫn đến tỷ lệ hư hao sau thu hoạch cao (25-30% ) là nguyên nhân làm giảm đáng kể năng lực cạnh tranh.
Không chỉ gia tăng xuất khẩu mà EVFTA còn mang đến kỳ vọng thu hút đầu tư tăng gấp hai ba lần. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Điều này không chỉ giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới mà yếu thế ngay chính tại thị trường nội địa.
Giải pháp đồng bộ. Muốn tăng cường xuất khẩu nông sản vào EU, trước hết phải nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến chất lượng hàng hóa, thể hiện tính chuyên nghiệp, khoa học trong thiết kế bao bì, nhãn hiệu, logo sản phẩm; nâng cao sức ảnh hưởng của sản phẩm trên thị trường quốc tế bằng những chiến lược quảng bá thương hiệu mang tính quốc gia cho nông sản Việt; tiếp cận với các tập đoàn bán lẻ và công ty xuất nhập khẩu tạo kênh tiêu thụ sản phẩm để người tiêu dùng EU biết nhiều đến sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam.
Muốn vậy, cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xúc tiến thương mại cùng đồng hành với nhà nông và doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu quốc gia cho hàng nông sản. Dỡ bỏ thuế quan không phải là chìa khóa vạn năng, thậm chí còn phải cạnh tranh khốc liệt hơn khi các loại trái cây, rau quả ôn đới, thực phẩm chế biến tràn vào thị trường nội địa. Muốn tạo môi trường phát triển bền vững, phải đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu để hạn chế nhập nguyên liệu từ các nước không thuộc khối FTA với Việt Nam đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan, bởi EU yêu cầu bắt buộc nông sản nhập khẩu truy xuất được nguồn gốc.
Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ công nhận và bảo hộ 39 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Con số này còn quá khiêm tốn so với tiềm năng hàng trăm sản phẩm nông sản khác đã và đang thâm nhập thị trường EU.