Xuất khẩu gạo tăng, doanh nghiệp vẫn “đói vốn”

Ý Nhi| 10/03/2023 07:00

Trong khi nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác còn khó khăn thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn "thắng lớn" bởi giá gạo tăng cao nhất trong gần hai năm qua. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn than... đói vốn.

Xuất khẩu gạo tăng, doanh nghiệp vẫn “đói vốn”

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, GS. Võ Tòng Xuân cho hay: "Hiện nay, gạo Việt Nam đang có nhiều lợi thế do gạo không dư thừa như trước đây, gạo giá rẻ của Ấn Độ không còn, gạo Thái Lan cũng giảm sản lượng, trong khi đó không có nước nào trồng lúa 2-3 vụ như Việt Nam. Một số nước châu Âu, các nước châu Phi và Trung Quốc đang tăng cường mua gạo của Việt Nam. Đáng nói hơn là những năm gần đây, nông dân giảm phân bón hóa học, dùng nhiều phân bón hữu cơ vi sinh nên gạo sạch hơn, tạo được uy tín với bạn hàng quốc tế nên gạo Việt "lên ngôi", từ đó tạo lợi thế cho xuất khẩu với giá cao".

Hiện nay, Philippines đứng đầu các nước về tiêu thụ gạo của Việt Nam. Trung bình mỗi năm, nước này sản xuất được 12,5 triệu tấn gạo, trong khi tổng nhu cầu gạo khoảng 15,5 triệu tấn.  Để bù đắp sự thiếu hụt, hằng năm Philippines nhập khẩu từ 2,5-3,5 triệu tấn gạo. Đây chính là cơ hội đối với ngành lúa gạo Việt Nam. Đơn cử như năm nay, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines là 4 triệu tấn, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 3 triệu tấn qua thị trường này. 

Cũng theo GS. Võ Tòng Xuân, mặc dù hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo có giảm chút ít nhưng bước sang tháng 3, nhiều nước có nhu cầu dự trữ lương thực, thêm vào đó xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm, chất lượng cao, gạo Việt Nam chắc chắn được bán với giá tốt.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, nước ta xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 1/2023 xuất khẩu gạo đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD.

Chia sẻ niềm vui này, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, Trung An vừa ký kết xuất trên 2.000 tấn gạo cho Trung Quốc và đang tiếp tục đàm phán tiếp lô hàng khoảng 20.000 tấn.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood), kinh doanh gạo là một thị trường cạnh tranh gay gắt, không chỉ trong nước mà còn với các nước có lợi thế xuất khẩu gạo. Nhiều doanh nghiệp tuy có sản lượng xuất khẩu cao nhưng lợi nhuận thu về rất ít. 

Theo chia sẻ của GS. Võ Tòng Xuân, sản lượng gạo sạch Việt Nam chưa nhiều, do chưa có những tập đoàn liên kết chặt chẽ với nông dân để trồng lúa theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nguồn vốn rất lớn, nhưng hiện tại vốn lưu động và vốn đầu tư trung dài hạn rất thiếu. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn trong việc thu mua và tích trữ nguồn gạo cho các hợp đồng xuất khẩu năm 2023 khi vụ lúa Đông Xuân đang đến gần, do thiếu vốn.

Hiện điều kiện tín dụng của các ngân hàng thương mại dành cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo tương đối chặt chẽ, khó đáp ứng nhu cầu thu mua và dự trữ gạo để xuất khẩu. Mặt khác, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất gạo cũng như chi phí vận tải đang tăng cao, thậm chí là hình thành mặt bằng giá mới do ảnh hưởng của thiên tai và biến động địa - chính trị.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, hạn mức được vay vốn đối với mặt hàng lúa gạo trong năm 2022 còn thấp. Đặc biệt là giai đoạn thu hoạch, doanh nghiệp không có vốn thu mua và dự trữ nên lợi nhuận của thương nhân và người trồng lúa bị ảnh hưởng, doanh nghiệp còn bị chậm trong việc hoàn thuế, có khi vài năm mới hoàn thuế được.

Với mức lãi suất lên đến 8-10%/năm như hiện nay, nhiều nhà máy gạo không đủ lợi nhuận để duy trì sản xuất, phải tính đến chuyện cho thuê lại. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp dù đã thế chấp hết tài sản nhưng vẫn không vay đủ vốn thu mua gạo.

Sản lượng gạo sạch Việt Nam chưa nhiều, do chưa có những tập đoàn liên kết chặt chẽ với nông dân để trồng lúa theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nguồn vốn rất lớn nhưng hiện tại, vốn lưu động và vốn đầu tư trung dài hạn rất thiếu.

Một khó khăn khác là logistics của nước ta chưa đồng bộ, dẫn đến việc tổn thất về khối lượng gạo từ 11-13%, tổn thất về chất lượng từ 3-5% sau khi thu hoạch. GS. Võ Tòng Xuân đưa ra ví dụ,  vận chuyển một tấn gao từ Việt Nam sang châu Phi tốn 120 USD/tấn, giá bán cho khách hàng là 450 USD/tấn, bán qua châu Âu là 550 USD/tấn, trong khi Ấn Độ bán 350 USD/tấn qua châu Phi, bán qua châu Âu 450 USD/tấn. Như vậy, giá gạo của Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Đại diện Vinafood cũng cho rằng, với lãi suất vay ngân hàng 10% thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo không có lãi nhiều, thậm chí có doanh nghiệp không có lãi và có doanh nghiệp không có đủ vốn để kinh doanh, dù xuất khẩu đang có lợi thế.  

Đề xuất giải pháp, đa số doanh nghiệp đều kiến nghị ngân hàng hỗ trợ vốn, Chính phủ tiếp tục chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp mua lúa. Các ngân hàng nên linh hoạt trong khâu thẩm định cho vay (thẩm định năng lực, uy tín doanh nghiệp, thẩm định hợp đồng xuất khẩu gạo với đối tác nước ngoài), chủ động hợp tác với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn. 

GS. Võ Tòng Xuân khuyến cáo, do giá cước vận tải biển cao, xung đột quân sự ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá lương thực, thực phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần theo sát thị trường, chủ động xúc tiến thương mại.

Để gạo Việt Nam vươn xa, kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, như tổ chức tìm bạn hàng qua những chương trình xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tại Mỹ, EU, Trung Đông, Tây và Bắc Á... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo tăng, doanh nghiệp vẫn “đói vốn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO