Khi mà ai cũng muốn theo đuổi mục tiêu trở thành số 1 trong lĩnh vực riêng, số doanh nghiệp "chơi lớn" trong ngành thương mại điện tử ngày càng tăng. Và, chính sự tham gia của các thương hiệu ấy đã ảnh hưởng tới logistics và hoạt động của ngành công nghiệp này.
Yêu cầu giao hàng trong ngày
Cùng với chi phí, ngày nay người tiêu dùng còn quan tâm đến một yếu tố khác có ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số thương mại điện tử, là thời gian nhận hàng. Sự gia tăng cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong cùng một không gian đã tạo ra trào lưu cam kết giao hàng trong ngày.
Theo nghiên cứu của Business Insider, giá trị của thị trường giao hàng trong ngày vào cuối năm 2018 ước tính 3 - 4 tỷ USD và một bộ phận khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để được giao hàng nhanh hơn.
Một số phân khúc khách hàng, như thế hệ Millennials (thế hệ Y) - những người sinh ra từ đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000, chính là nhân tố tạo ra và thúc đẩy toàn bộ xu hướng thương mại điện tử. Millennials muốn đơn hàng của họ được giao nhanh chóng, và họ chủ yếu đặt hàng với mong muốn có được sự hài lòng ngay lập tức.
Các sản phẩm như thực phẩm, hàng xa xỉ, thiết bị di động và các thiết bị điện tử khác đang được bán phổ biến với cam kết giao hàng trong ngày. Về phía nhà cung cấp, Amazon, Google, Uber và nhiều tập đoàn khác đang nỗ lực để cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày, đồng thời cố gắng làm cho điều kiện này đạt được hiệu quả về chi phí.
Áp dụng công nghệ số và tự động hóa
Theo nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) của Đại học Stanford trong nhiều năm, AI sẽ phá vỡ và tiếp quản dịch vụ logistics, biến đổi những gì con người quen thuộc ngày nay. Những dấu hiệu của AI thúc đẩy hiệu suất email trong thương mại điện tử đã xuất hiện ngày càng nhiều.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn đang sử dụng dữ liệu lớn (big data) và AI để thu thập sở thích của khách hàng, từ đó đề xuất các mặt hàng phù hợp. Công nghệ này cũng đang được sử dụng để khách hàng phản hồi nhanh chóng sau khi nhận hàng.
AI và tự động hóa đang xuất hiện trong việc trao đổi giữa các điểm trong chuỗi cung ứng. Có những công ty sử dụng AI để trao đổi từ công văn đến giao hàng, hàng bị trả lại và ghi lại dữ liệu xảy ra trong chuỗi phân phối thương mại điện tử. AI và tự động hóa làm cho các quá trình này chính xác hơn, nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Chatbot (phần mềm tự động chăm sóc và lưu trữ thông tin khách hàng) cũng bắt đầu xuất hiện trong thương mại điện tử và ngày càng trở nên thông minh hơn, quản lý các cuộc hội thoại hiệu quả hơn con người. Các nền tảng thương mại điện tử đang sử dụng dữ liệu được thu thập bởi chatbot để hiểu sở thích của người dùng và phục vụ họ tốt hơn, nhanh hơn.
Tự động hóa cũng góp phần giúp cho việc kiểm tra thông tin và dữ liệu được lưu an toàn. AI cũng đang được sử dụng để tối ưu hóa định tuyến dựa trên dữ liệu của địa chỉ phân phối và khoảng cách được phân phối. Các giải pháp logistics di động đang sử dụng công nghệ như định vị địa lý và AI để giúp tiết kiệm chi phí cho khách hàng cùng nhà bán lẻ.
Những gì từng được Google hứa hẹn (Google Glass) có thể sẽ sớm trở thành hiện thực và đáp ứng mong muốn của các giám đốc điều hành trong ngành thương mại điện tử. Hai doanh nghiệp lớn là Ikea và Amazon đã ứng dụng thực tế ảo (VR), và thực tế ảo tăng cường (AR) để tạo ra hệ thống trình duyệt sản phẩm ảo cũng như thử nghiệm các trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Thực tế ảo tăng cường có thể ảnh hưởng rất lớn đến logistics, bởi sản phẩm đã được thử cho kết quả tốt ít có khả năng bị trả lại.
Cuối cùng, ví di động như Google Pay đang giúp khách hàng dễ dàng mua hàng qua thiết bị di động. Có thể thấy, bối cảnh thương mại điện tử thay đổi theo đà ứng dụng công nghệ ngày càng nhiều. Xu hướng này sẽ ảnh hưởng tới logistics một cách rõ rệt, có lợi hơn cho cả doanh nghiệp thương mại điện tử, công ty logistics và người tiêu dùng.