Không phải bỗng dưng Lâu đài cát, vở diễn mới đầu tiên của nhà hát Kịch Việt Nam trong năm 2014 “cháy vé” đêm tổng duyệt 24/2.
Tác giả Nguyễn Đăng Chương đã trao cho đạo diễn Anh Tú một kịch bản thấm đẫm bi kịch. Một gia đình tứ đại đồng đường “kiểu mẫu”, nơi mỗi thành viên sống chết phải giữ lấy nếp nhà. Dẫu xung đột thế hệ, xung đột mới – cũ, xung đột phải – trái lên tới đỉnh điểm hay nền tảng xưa cũ có vỡ vụn, những con người ấy vẫn níu giữ đến cùng cái gọi là “truyền thống” bằng cách đeo mặt nạ. Không một ai dám sống thật, trừ Thiên, cậu trai thế hệ mới.
Mối tình hết sức trong trẻo giữa Thiên và Huyền là một nút thắt đắt giá, khiến bao ung nhọt bục vỡ: người cha đạo mạo của Thiên lại chính là kẻ đã từng hãm hại Huyền và “đi qua đời” biết bao cô gái khác; ông chú đáng kính thì “chôm” sổ đỏ đi cầm, lén lút bán căn nhà tổ tiên để lại, đẩy cả bốn thế hệ ra đường… Có lẽ ai đó cho rằng, nút thắt này hơi khiên cưỡng, cái cách Huyền xuất hiện trong gia đình tứ đại đồng đường hơi có chút “định mệnh”, dù nó làm kịch bản sâu hơn, khiến người ta ngẫm ngợi nhiều về hai chữ nhân - quả.
Nhưng tác giả có chủ ý khi đẩy kịch tính đến tận cùng, đến mức độ mỗi một con người ngấm sâu gia phong và truyền thống ấy bàng hoàng nhận ra: mặt nạ, dù dày cỡ mấy, cũng không phải thứ vỏ bọc an toàn… Ở khía cạnh này, thấy cái tên phụ Mặt nạ người lại “đắt” hơn cái tên chính thức: Lâu đài cát.
Nếu dựng đúng kịch bản thì Lâu đài cát sẽ là một vở tương đối “nặng” với dồn dập nút thắt, đậm chất bi. Nhưng, cảm giác sau khi xem Lâu đài cát lại là… đau và đã, bởi những “scence” hài, có lúc sâu cay, có khi nhẹ nhàng tươi mát được đan cài hết sức tinh tế, đem đến một nhịp điệu dễ chịu cho vở kịch. Cái đã thứ hai là dù tầng tầng lớp lớp ý nghĩa, nhưng câu chuyện kịch chỉ gói gọn trong hơn một giờ đồng hồ.
Từ Chấm hỏi chấm than, Tai biến đến Lâu đài cát, có cảm giác, đạo diễn Anh Tú đang chủ tâm tạo nên một vệt chính kịch tươi mới: sâu sắc nhưng gọn ghẽ, chắt lọc từng chi tiết, và đặc biệt không làm người xem mệt. Anh cũng là một trong những đạo diễn hiếm hoi của phía Bắc cực kỳ chú trọng bối cảnh và hệ thống đèn rọi. Lâu đài cát, tất nhiên vẫn có bục bệ, nhưng được thiết kế hợp lý và sinh động như một sắp đặt điêu khắc. Sân khấu có điểm cao, điểm thấp không gây nhàm mắt; những chiếc mặt nạ khổng lồ đứng câm lặng như cất giấu những nỗi niềm, những dằn vặt, tội lỗi. Ánh sáng tuyệt đẹp!
Tương tự như Tai biến, Lâu đài cát có một cái kết đỡ bế tắc so với kịch bản gốc. Hy vọng vẫn được gửi gắm nơi Thiên, người duy nhất dám sống thật, luôn sống thật và gìn giữ “nếp nhà” theo cách riêng của tuổi trẻ. Cũng là một sáng tạo hợp lý.