Hãng điện tử “lấn sân”
Mới nhất trên thị trường ô tô thế giới là nhà sản xuất sản phẩm điện tử, điện lạnh LG Electronics công bố “lấn sân” sang thị trường sản xuất linh kiện ô tô điện. Theo Nikkei, LG Electronics sẽ hoàn tất việc rút khỏi thị trường điện thoại thông minh để liên doanh với Magna International - một trong những nhà cung cấp phụ tùng ô tô hàng đầu thế giới để sản xuất linh kiện quan trọng cho xe điện tại Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Giám đốc điều hành LG Electronics Kwon Bong Seok cho biết, LG đang tạo ra lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh linh kiện xe. Công ty sẽ tập trung phát triển phụ tùng ô tô và sẽ trở thành nhà cung cấp lớn loại hàng này. Trong năm 2021, bộ phận kinh doanh linh kiện ô tô sẽ tạo ra lợi nhuận lần đầu tiên cho công ty trong 6 năm qua và linh kiện ô tô sẽ trở thành một trong những phân khúc lớn nhất của thương hiệu LG.
Trước LG, nhiều thương hiệu khác trên thế giới đã chuyển hướng đầu tư cho xe điện. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào năm 2010, có khoảng 17.000 ô tô điện lưu thông trên toàn cầu, đến năm 2019 đã tăng lên 7,2 triệu chiếc, trong đó Tesla là thương hiệu ô tô điện được nhắc đến nhiều nhất. Gần đây, Volvo cũng tuyên bố đến năm 2025 sẽ có một nửa ô tô của hãng sử dụng động cơ điện.
Theo hãng tin Bloomberg, năm 2020 có hơn 64 triệu xe điện được tiêu thụ trên toàn thế giới. Dự báo, trong năm 2021 sẽ có 70 triệu xe điện, xe hybrid được bán ra và sẽ tăng lên 84 triệu chiếc vào năm 2030. Trong số đó, xe hybrid tiếp tục là xu hướng chính, đặc biệt là ở các nước bắt đầu chuyển sang dòng xe điện.
Tính toán của Ernst&Young (EY) cho thấy, doanh số bán các phương tiện bằng điện sẽ vượt qua xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trong 12 năm tới tại châu Âu, Trung Quốc và Mỹ. Trong đó, châu Âu sẽ là khu vực đầu tiên chứng kiến doanh thu các mẫu xe không phát thải khí nhà kính lấn át các loại xe sử dụng xăng, dầu vào năm 2028. Xu hướng này sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào năm 2033 và Mỹ vào năm 2036. Dự kiến, đến năm 2030, xe chạy bằng xăng, dầu chỉ còn chiếm 1/2 phương tiện được đăng ký trên toàn cầu. Và đến năm 2045, lượng phương tiện không sử dụng năng lượng sạch chỉ còn chiếm 1% thị trường xe hơi thế giới.
“Cú hích” cho thị trường ô tô, xe máy Việt Nam
Xe điện sẽ là “cú hích” cho thị trường ô tô, xe máy Việt Nam trong thời gian tới. Hiện các thương hiệu ô tô và xe máy đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực xe điện. Cụ thể, năm 2018, VinFast đã tạo “làn sóng mới” cho nền công nghiệp xe máy tại Việt Nam khi khánh thành nhà máy diện tích 6,4ha với công suất 250.000 xe/năm cùng kế hoạch xây dựng vài chục nghìn trạm sạc, cho thuê pin để hoàn thiện hệ sinh thái xe điện. Một năm sau ngày công bố, VinFast đã cho ra mắt xe máy điện và đạt sản lượng tiêu thụ đến 50.000 chiếc.
Ông Guru Mallikarjuna - Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam cho rằng, Việt Nam là thị trường đang gia tăng phương tiện di chuyển bằng xe điện. Vì thế mà hồi tháng 8/2020, Bosch và Tập đoàn Sơn Hà đã ký kết để nghiên cứu phát triển công nghệ xe máy điện và đã chính thức gia nhập thị trường bằng hai mẫu xe máy điện Evgo C và Evgo D vào tháng 11 cùng năm. Trước đó, Sơn Hà đã đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện tại Khu công nghiệp Thuận Thành II, tỉnh Bắc Ninh và đã liên doanh với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Nhà đầu tư này đặt mục tiêu sẽ trở thành một trong ba nhà sản xuất, lắp ráp xe máy điện lớn nhất Việt Nam với khoảng 300.000 - 600.000 xe/năm. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết sẽ tiếp tục ra mắt 5 mẫu xe máy điện mới trong thời gian tới.
Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, số lượng xe máy điện bán ra tăng đến 30-40% mỗi năm khiến các hãng xe máy truyền thống như Honda, Piaggio tuyên bố sẽ tham gia thị trường xe máy điện trong thời gian tới. Hiện chiếc xe máy điện thương hiệu Honda đã được chạy thử tại Hà Nội và lãnh đạo Piaggio Việt Nam cho biết sẽ sớm đưa xe điện ra thị trường.
Ở lĩnh vực ô tô, tháng 4 vừa qua, VinFast đã mở bán chiếc ô tô chạy điện thông minh đầu tiên với giá gần 700 triệu đồng. Hiện tại, hai dòng xe điện hạng sang của VinFast đã được chào bán tại Mỹ. Cùng với VinFast, Porsche, Tesla cũng đã đưa về Việt Nam nhiều mẫu xe điện ứng dụng công nghệ thông minh. Trong đó, Công ty xe hơi thể thao Uy Tín - nhà phân phối chính hãng Porsche giữa năm 2020 đã đầu tư các trạm sạc nhanh, công suất cao tại TP.HCM và sạc tại nhà cho khách hàng.
Không chỉ có xe du lịch, xe buýt điện công nghệ cao do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus cũng đã đi vào hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM và Phú Quốc từ tháng 4 vừa qua. Đây là những tuyến xe buýt điện thông minh đầu tiên của Việt Nam.
Nhằm mở cửa thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sinh học và khí thiên nhiên tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 10/7/2020. Cụ thể, linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất các dòng xe điện sẽ được hưởng thuế 0%, đồng thời áp dụng cho các công ty sản xuất linh kiện và phụ tùng thay vì chỉ bó hẹp với doanh nghiệp sản xuất ô tô như trước đây. Mới đây, Bộ Tài chính cũng có chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện từ 5-10% so với trước, còn 5-15% tùy loại.
Một trở ngại duy nhất trên thị trường xe điện hiện nay là Việt Nam chưa có hạ tầng cho xe điện và các chính sách phát triển xe điện vẫn chưa đồng bộ. Hiện Vingroup và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai hệ thống 30.000 - 50.000 trạm sạc và thuê pin cho xe máy điện thông minh, ô tô điện. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, chung cư cũng xây dựng trạm sạc pin giống như một tiện ích để thu hút khách hàng. Thương hiệu xe sang Posrche đã đầu tư trạm sạc điện tại TP.HCM và Hà Nội. Thế nhưng, với chừng ấy vẫn còn ít bởi so với nhu cầu thì hệ thống trạm sạc hay đổi pin vẫn chưa phủ rộng.