Xây dựng hình ảnh TP.HCM qua du lịch: Từ những vấn đề nhỏ nhất
Tọa đàm Xây dựng hình ảnh TP.HCM qua du lịch diễn ra ngày 20/11/2023 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức đã bàn luận sôi nổi về chủ đề làm sao thu hút và giữ chân du khách trong và ngoài nước từ những việc nhỏ nhất...
Tại Toạ đàm, các diễn giả doanh nhân đã bàn luận sôi nổi về cách thức thu hút du khách, thể hiện một tình yêu mãnh liệt với Sài Gòn - TP.HCM. Họ tâm huyết và tham vọng muốn du lịch Thành phố trở thành điểm rất hấp dẫn của đông đảo du khách. Tuy nhiên để biến điều đó thành hiện thực cần sự góp sức, mọi hoạt động phải phối hợp nhịp nhàng từ các cấp chính quyền đến cơ quan có chức năng và người dân. Nếu không mọi góp ý chỉ mang tính “cho vui” chứ không thể thành hiện thực nếu không gặp nhau ở góc nhìn và quan điểm.
Mất hình ảnh vì… rác
Trước hết, TP.HCM phải là một “ngôi nhà sạch đẹp”. Có như vậy, du khách mới biết ngôi nhà này “có chủ”. Nếu cứ trong tình trạng “bầy hầy” thì bao nhiêu quảng cáo, tiếp thị, “căn nhà” ấy cũng không ai muốn vào.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch HĐTV Lửa Việt Tours, hình ảnh sạch đẹp phải là đầu tiên, muốn có nhiều du khách phải bắt đầu từ những chuyện nhỏ. Người dân, người lãnh đạo ở địa phương phải biết yêu và giữ gìn nơi mình sinh sống. Mình chưa yêu quê mình, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng thì hãy quên chuyện thu hút khách tới. Tiếp theo là hẻm, những con hẻm mà được trang trí đẹp người ta sẽ không xả rác, đó cũng là cách tạo nên hình ảnh riêng, đặc thù của TP.HCM.
- TP.HCM nên có một linh vật để khách du lịch mua về làm quà tặng như ở đảo JeJu (Hàn Quốc) có hình “Ông bà nội” khách du lịch đến đó đều mua đem về. Tại Đồng Tháp cũng có “Chú Bé Sen” và đã theo du khách đi khắp nơi, qua tận bên Tây, bên Tàu.
- Muốn xây dựng hình ảnh đặc trưng cho du lịch TP.HCM, hãy bắt đầu từ việc tiên phong phục dựng lại cách chào ngày xưa. Các nước xung quanh đều có cách chào đặc trưng, chỉ nhìn hành động là biết ngay đây là quốc gia nào nhưng Việt Nam vẫn không có nét chào đặc sắc riêng.
- ở Đồng Tháp, họ thường xuyên tổ chức các đoàn khách đến tham quan. Không chỉ được uống cà phê miễn phí, được ăn bánh dân gian đặc sản Đồng Tháp mà mỗi người còn được tặng một cái khăn rằn của làng Việt Cổ. Đó là cách tiếp thị độc đáo nhất, tuyệt vời nhất không ai làm được. Mỗi người sẽ mang cái đó đưa lên facebook, đưa lên zalo, đây cách quảng cáo hay và hiệu quả.
- Có một thời, ông Nguyễn Bá Thanh (cố Chủ tịch TP. Đà Nẵng) tự hào là Đà Nẵng đang trở thành như một góc của Singapore, trong khi Singapore lại ước gì họ có một dòng sông như Việt Nam. Hay vừa rồi một lãnh đạo của Nhà Bè cũng ước gì sông Nhà Bè được góc như Singapore. Tư duy như vậy là không đúng. Quê thì muốn thành tỉnh mà tỉnh thì muốn thành quê, mà cái bản sắc của chính nơi mình thụ hưởng thì lại quên lãng và không làm được.Ông Nguyễn Văn Mỹ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt
Có một thực tế là chúng ta hay làm phong trào, rộ lên một thời điểm, rồi thôi. Có dịp lên Lai Châu, tôi thấy có một bản làng sạch tinh, tôi hỏi ông trưởng bản: “Làm sao làm được như vậy?, ông nói rằng, ông đã thuyết phục người thân của mình, thuyết phục dân phải giữ vệ sinh sạch. Trước hết là sạch nhà mình, đẹp nhà mình, sau đó mới có thể thu hút khách du lịch đến chơi.
Đồng tình với ông Mỹ, bà Trúc Võ - Giám đốc Bamboo Flute khẳng định, không có một quốc gia nào thịnh vượng, giàu có khi sống chung với rác, vì sống chung với rác thì không thể nào phát triển du lịch được. Để hạn chế việc rác thải hiệu quả, ai sẽ là người thực hiện được điều này? Chỉ có những nhà lãnh đạo, những người đứng đầu mới có thể làm nhanh nhất nên lãnh đạo phải làm gương trước. Mỗi tuần cùng làm, cùng ra quân. Từ đó sẽ làm tăng ý thức giữ gìn môi trường sống.
- Chúng ta phải chọn ra 4 - 5 giá trị đại diện cho nét riêng của TP.HCM: Văn hóa, con người, sự năng động... Rồi từ những “chìa khóa” đó mới phát triển ra. Ví dụ nói về văn hóa thì con người TP.HCM thân thiện ra sao, nói đến chuyện Brand The Country (thương hiệu cho thành phố) thì làm cái gì, thế nào? Trước đây, nhiều người nói con người Singapore rất lạnh lùng, thế là, họ đưa ra ngay một chiến dịch “Smile Singapore” (Nụ cười Singapore) để giáo dục cho chính công dân của họ, rằng chúng ta đang bị thế giới nhìn vào ở góc độ này nè. Các bạn là một công dân của Singapore, các bạn có ý định tham gia để thay đổi góc nhìn của du khách quốc tế đối với đất nước không? Như vậy, vì ý thức của dân tộc, người dân Singapore đã phải thay đổi.
- Trước đây TP.HCM là nơi những chuyến bay quốc tế ra vô rất nhiều, nếu trong tương lai vài năm nữa, Campuchia phát triển, Long Thành phát triển nhưng du lịch TP.HCM không làm gì mới, đặc sắc, không thay đổi thì sẽ bị loại bỏ khỏi danh sách điểm đến, du khách sẽ không ghé Sài Gòn nữa.
- Thành phố phải có những nghiên cứu chuyên sâu do các chuyên gia nghiên cứu và các doanh nghiệp lấy đó làm kim chỉ nam, ví dụ như khách quốc tịch Mỹ đến Việt Nam để làm gì? Họ thích văn hóa gì của Thành phố?Bà Trúc Võ - Giám đốc Bamboo Flute
Đưa ra giải pháp, ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông và Marketing TSTtourist cũng cho rằng: “Làm sao để khách du lịch yêu thích và muốn đến TP.HCM là vấn đề phải giải quyết căn cơ, nhiều công đoạn, có những việc phải giải quyết 1 đến 3 năm. Và những việc phải làm từ 10 năm trở lên.
Ví dụ ở Úc, họ để rác trong nhà chứ không để ngoài đường, các điểm ở công cộng đều có thùng rác và ý thức của người dân là mang rác đến thùng rác để bỏ chứ không phải tiện đâu vứt đó như ở ta.
Ngay cả việc trồng cây trong thành phố phải xem xét lại trồng cây xanh nào phù hợp vừa tạo tán, tạo bóng mát mà cây không thường xuyên rụng lá, tức không có nhiều rác, mới nên trồng.
Du lịch là mắt xích sau cùng khi mà các khâu đã chuẩn bị xong, do vậy muốn giải quyết những vấn đề cuối cùng thì phải giải quyết cái gốc đầu tiên. Muốn vậy, các ngành phải ngồi lại với nhau để xem gốc nguồn đến từ đâu và giải quyết trước. Tư duy của người lãnh đạo cũng phải bắt đầu từ đó phải dựa trên cơ sở hiểu biết sâu lĩnh vực mình đang quản lý thì mới có quyết sách và cách làm đúng, hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông - Marketing TSTtourist
… Và nhà vệ sinh
Không chỉ “vấn đề nhỏ” là rác thải, một vấn đề quan trọng khác cũng cần được lưu tâm, như nhà vệ sinh công cộng. Ông Nguyễn Ngọc Toản - CEO Công ty Image Travel & Event - Giám đốc DMC Mekong cho biết, đã làm việc với nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài đến TP.HCM, họ phàn nàn nhiều nhất là hầu như Thành phố không có nhà vệ sinh công cộng. Những “chuyện nhỏ” ấy cần phải khắc phục ngay nếu muốn TP.HCM là điểm đến đúng với tiêu chí thân thiện và hiếu khách.
- Thành phố Berlin xây dựng hình ảnh là “Thành phố smile bền vững” và nó có cả một chiến lược dài hơi từ truyền thông cho đến thực hiện.
- Để hạn chế rác thải, tại các sự kiện lớn tại Berlin, họ sẽ sử dụng tối thiểu rác thải nhựa. Nếu uống bia sẽ uống bia tươi, rót ra ly để hạn chế số lượng lon.
- Ở Rwanda (châu Phi) Tổng thống đưa ra ý tưởng mỗi tháng, Tổng thống nước này sẽ đi nhặt rác một lần và đó là phong trào toàn dân phải đi nhặt rác với Tổng thống, phong trào này đã kéo dài nhiều năm rồi. Ý tuởng đó nó đang tồn tại cho đến bây giờ. Nó khiến cho Rwanda trở thành một trong những điểm đến tốt nhất của châu Phi.Ông Nguyễn Ngọc Toản - CEO Công ty Image Travel & Event
Là công ty chuyên đưa khách quốc tế vào Việt Nam với số lượng khách rất lớn, ông Nguyễn Khoa Luân - Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam cũng đồng tình: “Mỗi khi dẫn khách đi tham quan phố đi bộ hay khu vực trung tâm quận 1, tôi rất lúng túng khi bất chợt khách hỏi nhà vệ sinh công cộng thì không biết đâu mà chỉ, mà nếu có thì phải đi bộ rất xa và bất tiện”.
Để xử lý tình trạng rác thải, tiểu bậy, vẽ bậy, các doanh nhân tham gia tọa đàm yêu cầu sử dụng phương pháp chế tài, “đánh mạnh” vào “túi tiền” những người vi phạm, thậm chí bắt lao động công ích nhiều ngày.
Một câu hỏi là tại sao một người Việt đi ra nước ngoài thì biết bỏ rác vào thùng và tuân thủ vệ sinh của nước sở tại rất nghiêm túc, nhưng khi về Việt Nam thì không. Đó là ý thức. Ở nước ngoài họ giáo dục người dân bằng cách, cứ đánh vào túi tiền của người dân thôi. Không có tuyên truyền gì cả và tôi cho rằng đó là cách chấp hành và nâng cao ý thức của người dân hiệu quả.
- Chúng ta phân loại rác nào là thùng xanh, thùng vàng, thùng đỏ. Nhưng khi xe rác tới thu gom lại đổ tất cả vào dồn chung trong một xe thì không thể bắt người dân phân loại.
- Thành phố đã có phong trào về nhà vệ sinh nhưng rất yếu và thiếu. Hằng ngày ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, du khách muốn xin đi nhà vệ sinh khó lắm. Bây giờ phải triển khai hàng loạt chứ đừng thí điểm nữa.
- Xây dựng nụ cười để du khách cảm thấy người Việt Nam hiếu khách thật sự. TP.HCM cần đi đầu, đăng cai làm một cái gì đó để trở thành điểm nhấn ví dụ như “Nụ cười thân thiện”. Bắt buộc nhân viên cho dù mệt thế nào cũng phải cố gắng nở nụ cười.Ông Nguyễn Khoa Luân - Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam
Ông Toản cho biết thêm: “Ở các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, có một điểm giống nhau là nếu lãnh đạo chính quyền hay doanh nghiệp không gương mẫu thì người dân hay nhân viên sẽ không noi theo. Cho nên rất đơn giản, mỗi tháng ban lãnh đạo chính quyền hay doanh nghiệp nên cử một người đi nhặt rác để tạo phong trào “toàn dân không xả rác, toàn dân nhặt rác” thì tự khắc thành phố sẽ sạch đẹp.
Giả sử lãnh đạo mình không có thời gian thì mỗi tháng thay phiên nhau đi làm. Chúng ta không còn gọi là tháng môi trường nữa mà là “cuộc đời môi trường, hàng tuần môi trường”. Tất cả lãnh đạo cùng làm, chia nhau làm. Tháng này người này, tháng sau người kia nhưng phải cố định và thực hiện liên tục đến 10 năm, cho đến khi nào giáo dục nó kịp thay đổi với tư duy mỗi người, đến lúc giới trẻ nhận ra mình xả rác và để cho người khác nhặt rác là chuyện ngu ngốc, kém văn hóa. Như thế, nếu các lãnh đạo từ cao xuống thấp, từ chủ doanh nghiệp đến người dân, công nhân… cùng chung tay làm chứ không hô khẩu hiệu hay làm hình thức thì lập tức Thành phố sẽ sạch.
Ở các nước châu Á, châu Phi và Mỹ La Tinh, người ta nhận thức được rằng, nếu dùng giáo dục sẽ không hiệu quả, mà phải có lãnh đạo đi ra làm, chỉ cần làm hình thức thôi nhưng phải làm lâu dài, thường xuyên và nói: “Nhặt rác làm sạch thành phố là trách nhiệm của chúng ta, của chính quý vị và tôi là người cùng làm với quý vị. Như thế, người dân sẽ hưởng ứng và làm theo.
Phải bắt đầu từ tư duy giáo dục
Theo ông Vũ Hải Sâm - Phó Giám đốc Khối Du lịch nội địa Công ty TNHH MTV DLLH Sài Gòn Tourist: “Những vấn đề tưởng là nhỏ nhưng khó giải quyết là bởi từ xưa đến giờ, chúng ta không xây dựng được ý thức giữ sạch môi trường sống cho trẻ nhỏ, để rồi khi lớn lên không có ý thức giữ gìn thành phố mình sống sao cho sạch đẹp. Nguồn cơn của chuyện này là do hệ thống giáo dục của chúng ta và đã đến lúc cần phải xem lại.
- Muốn giải quyết vấn đề rác phải có phương pháp về mặt chế tài. Ví dụ, chúng ta phạt ngay những trường hợp vi phạm.
- Hiện nay, gần như hệ thống camera ở TP.HCM vẫn có nhưng quan trọng là Thành phố, mỗi quận huyện, địa phương có làm rốt ráo, quyết liệt không thôi.Ông Vũ Hải Sâm - Phó Giám đốc Khối Du lịch nội địa Công ty TNHH MTV DLLH Sài Gòn Tourist
Ông Mẫn góp ý thêm, để hình ảnh của một đất nước, một thành phố có ấn tượng đẹp trong mắt du khách nước ngoài thì ngay từ giáo dục, không chỉ dạy kiến thức để học sinh tốt nghiệp mà phải bắt học cả cách hành xử, không chỉ con người với con người mà cả con người với thiên nhiên, với môi trường sống, với du khách.
“Cũng vì giáo dục không đến nơi đến chốn nên rất nhiều nơi trong TP.HCM mang đậm dấu ấn lịch sử nhưng không mấy người biết đến và khai thác du lịch từ đó. Chẳng hạn rất nhiều người không biết Nhà Thiếu nhi Thành phố trước đây là Dinh của Phó thủ tướng chế độ cũ, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là Dinh của Tướng Nguyễn Ngọc Loan ngày xưa. Nhà mồ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký ở đường Trần Hưng Đạo quận 5 mà không mấy người biết để đến thăm” - ông Nguyễn Văn Mỹ tiếp.
“Xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quá trình, nếu không chú tâm vào giáo dục sẽ mất một khoảng thời gian dài để khắc phục, để sửa chữa, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Phải mất cả trăm năm gây dựng và đào tạo con người, nếu ngành giáo dục không kịp thời thì e rằng TP.HCM sẽ mất dần sức hút đối với du khách”, ông Luân khẳng định.
Giữ văn hóa, cải tiến giao thông
TP.HCM là nơi tập hợp lưu dân đủ mọi tỉnh - thành, nói như học giả Vương Hồng Sển là “tả pín lù”. Chính điều này tạo nên một thành phố năng động, không gian văn hoá đô thị sống động.
Theo ông Toản, khách nước ngoài rất thích không gian văn hoá đô thị tại Việt Nam và riêng TP.HCM từ các sinh hoạt trong các con hẻm, những con đường nhỏ. Từ đánh ghen, cách ngồi ăn, cả nhà quây quần, vợ chồng cãi lộn, quán cà phê cóc… đến âm thanh người hát rong người đánh giày, tiếng rao hàng rong, vé số… tất tần tật đều sống động mà chỉ Việt Nam - TP.HCM mới có.
Đặc biệt là hàng rong - ẩm thực đường phố có cái đẹp và hay riêng của nó. Ở Thái Lan, hàng rong đóng góp số tiền rất lớn cho ngân sách. Vấn đề là tổ chức, quản lý thế nào chứ không thể cho nó tự phát hay cái gì quản lý không được thì cho là nhếch nhác, không sạch đẹp, mỹ quan để rồi dẹp bỏ như thực tế chúng ta đang làm. Làm du lịch là mang lại sự thỏa mãn cho du khách một cách tinh tế nhất, nhỏ nhất. Ví dụ như: móc treo đồ trong nhà vệ sinh để khách du lịch treo đồ cho thuận tiện, vài cái ballet lót chân cho khách du lịch bước xuống xe… là một việc làm nhỏ nhưng lại rất tinh tế mà dịch vụ du lịch phải để ý và thay đổi ngay, bởi chỉ việc nhỏ nhưng nó để lại hình ảnh đẹp, thân thiện rất lớn cho cả thành phố.
Hay có những vấn đề phải nhìn xa hơn từ bây giờ, ví dụ phải nghĩ đến tương lai của chợ Bến Thành sẽ ra sao? Nếu một ngày không bán được quần áo ở đó, có thể chuyển thành nơi tập trung ăn nhậu, ẩm thực, bán bia và bán các đặc sản địa phương cho du khách, có hiệu quả không vì bản sắc riêng của người Sài Gòn là ăn nhậu. Hoạt động bên trong có thể thay đổi nhưng hình ảnh chợ Bến Thành vẫn phải giữ được. Đây là mô hình đã thành công ở một số nước.
Nói thêm về bản sắc văn hóa của Thành phố, ông Mẫn cho rằng, khi du khách đến TP.HCM, người ta quan tâm đến lịch sử thành phố này có gì khác so với thành phố khác. Chẳng hạn, sông Sài Gòn chảy qua TP.HCM khác gì so với sông Danube chảy qua Budapest. Phải cho người ta thấy cái đặc trưng riêng của TP.HCM. Chẳng hạn đình An Khánh có tuổi gần bằng tuổi Sài Gòn - Gia Định, là nơi duy nhất ở TP.HCM thờ Thần hoàng (Đức thánh Trần Hưng Đạo), nhưng quy hoạch đã xóa sạch nó để xây nhà mới, thế là vị Thần hoàng trên 300 năm trước cũng mất luôn!
“Nếu làm mất văn hoá xưa thì không ai còn muốn đến với Thành phố để chỉ thấy những nhà cao tầng?
Như thế, sẽ vắng dần du khách…
Riêng giao thông hiện nay cũng làm mất đi hình ảnh của du lịch TP.HCM, ông Toản nói thêm: “Người dân Sài Gòn vẫn thân thiện như ngày nào nhưng Thành phố thì không thân thiện, từ giao thông, đường đi và nhiều nơi rất đẹp nhưng không được phép đến hoặc vì giao thông khó khăn, không phân luồng cho người đi bộ và phải qua đường với quá nhiều xe cộ nên khách cũng không muốn đến.
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thuyền Sài Gòn và Công ty Du ngoạn Việt tiếp lời: “Vấn đề giao thông ở TP.HCM đang quá nghiêm trọng, nhất là giờ cao điểm khiến nhiều khách du lịch rất ái ngại, họ nghĩ rằng, đến xứ này làm gì vì giao thông quá lộn xộn, bước ra đường rất dễ bị xe đụng. “Giao thông phải là bộ mặt của thành phố thì thành phố mới thu hút được đông đảo du khách”, ông Xuân Anh nói.
- Nhiều du khách đến TP.HCM nhưng hỏi tôi: “TP.HCM đâu? Khác ở chỗ nào mà tôi thấy chỉ toàn là nhà cao tầng. Hình ảnh con Rồng, con Phượng, chùa chiền ở đâu? Hiện Trung Quốc đang rất tiếc nuối và đau khổ vì tất cả đều là nhà cao tầng chót vót, phi cơ bay qua cũng không biết đó là Trung Quốc. Chỉ khi đáp cánh mới biết đó là Trung Quốc, dân Trung Quốc coi đó là sự đau khổ vì không còn thấy màu sắc văn hoá xưa của họ nữa.
- Nếu chúng ta không giữ được văn hoá xưa thì cũng sẽ không ai muốn tới nữa. Cái chào, cái ăn, cái nói, cái đi, cái đứng …đều là nét văn hóa gốc của người Sài Gòn. Người ta đến xem văn hoá của mình, ngôn ngữ của mình, đồ ăn, áo quần, cách chào, cách đi, cách đứng đó là văn hoá. Nếu chúng ta không đẩy văn hoá lên thì du lịch sẽ kém hấp dẫn và sẽ mất dần bản sắc.
- Tôi đến Nhật Bản và hay đi bộ xung quanh các chợ mỗi sáng, đi đến chỗ nào cũng thấy người dân gặp nhau “Hi” tức là chào, là dạ, là vâng. Tôi có thiện cảm ngay và nghĩ đất nước này chắc ít tội phạm lắm vì đi đến đâu người ta cũng kính trọng nhau mà, sao dám làm bậy được.
- Nhiều lần ngồi trên máy bay, tôi nhìn xuống khung cảnh Sài Gòn, chợt nhận ra, ngay cả giờ cao điềm, mật độ giao thông chỉ dồn vào vài con đường, còn những con đường khác thì không đến mức như vậy, thậm chí vắng tanh. Suy nghĩ, tại sao lực lượng giao thông vận tải không mướn một chiếc trực thăng thử 6 giờ chiều ngồi nhìn các tuyến đường chỗ nào kẹt mà tìm cách gỡ?Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thuyền Sài Gòn và Công ty Du lịch Du Ngoạn Việt