Xáo động lớn trong nguồn nhân lực Việt Nam: Những hệ luỵ và cảnh báo đối với doanh nghiệp

Thanh Ngân| 08/07/2022 01:00

Không dừng lại ở tình trạng nghỉ việc ồ ạt, người lao động sẵn sàng rời bỏ ngành nghề, chuyển đổi cách thức làm việc và đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với nhà tuyển dụng.

Xáo động lớn trong nguồn nhân lực Việt Nam: Những hệ luỵ và cảnh báo đối với doanh nghiệp

2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, thị trường kinh doanh thay đổi chóng mặt đã tạo ra sự xáo động lớn trong nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Theo báo cáo vừa công bố của Anphabe và LinkedIn, có 5 xu hướng việc làm từ phía người lao động làm xáo động nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay, và doanh nghiệp chịu tác động không nhỏ từ tình trạng này. 

Nghỉ việc ồ ạt

Thuật ngữ “The Great Resignation - Trào lưu nghỉ việc ồ ạt” đã bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2021 khi báo cáo của Microsoft cho thấy có tới 42% người đi làm trên thế giới chia sẻ rằng họ đang có ý định nghỉ việc, ngay cả khi tình trạng thất nghiệp đang leo thang trên toàn thế giới do ảnh hưởng của Covid-19.

Đến tháng 12/2021, khảo sát nguồn nhân lực của Anphabe cũng cảnh báo tình trạng này đã lan tới Việt Nam khi tỷ lệ người đi làm đang tìm kiếm công việc mới trong 6 tháng gần nhất là 58%. 

Bước sang 2022, nhất là sau quý I, khi đã nhận lương thưởng, những động thái tìm kiếm công việc mới này đã nhanh chóng chuyển thành thực tế nghỉ việc rất cao được ghi nhận tại các doanh nghiệp (DN), cao nhất so với ba năm trở lại đây. Trong đó, ngành pháp lý, nhân sự, marketing có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất, lên đến hơn 40%, và người lao động càng trẻ, tỷ lệ nghỉ việc càng nhiều, con số lên đến 36%.

Công khai nghỉ việc và cởi mở với cơ hội

Mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất thế giới LinkedIn chia sẻ một hiện tượng đáng chú ý, đó là các thành viên ngày càng cởi mở đăng tải thông điệp “Open to work - Đang tìm việc làm mới” trên profile cá nhân của họ. Với số lượng thành viên 860 triệu người trên toàn thế giới, thời điểm tháng 4/2022. Có tới 260.000 trong số gần 4 triệu thành viên tại Việt Nam cũng đã cập nhật trạng thái “Open to work”.

-2546-1657191622.jpg

Người lao động công khai nghỉ việc và cởi mở với cơ hội mới

Theo khảo sát của Anphabe, có 2 hệ luỵ từ trào lưu nghỉ việc. Thứ nhất, họ không nhất thiết phải tìm được việc mới rồi nghỉ việc cũ như trước kia. Nhiều người quyết định nghỉ ngơi một thời gian rồi mới tìm việc, và cũng không hiếm tình trạng các bạn trẻ chán là nghỉ ngang đột ngột khiến nhà tuyển dụng “chới với”.

Thứ hai, người đi làm công khai chia sẻ dự định nghỉ việc hơn (như cách đăng tải trạng thái “Open to work” trên LinkedIn). Xu hướng này tuy tạo cơ hội tìm việc mới cho người lao động nhiều hơn nhưng đồng thời cũng có “tác động nhạy cảm” tới các nhân viên khác trong công ty cũng như hình ảnh “thương hiệu nhà tuyển dụng” của công ty cũ.

Số liệu năm 2022 của LinkedIn cho thấy chỉ trong vòng một năm trở lại đây, tốc độ gia tăng thành viên của mạng xã hội này tại Việt Nam đang rất nhanh (hơn 1 triệu thành viên trong 12 tháng), như một minh chứng cho độ tích cực kết nối và chủ động tìm kiếm cơ hội của người đi làm Việt Nam. 

Nghỉ việc, nghỉ luôn cả ngành

Hiện tỷ lệ những người đã nghỉ việc muốn chuyển sang ngành khác rất cao. Theo khảo sát của Anphabe, trung bình cứ 10 người nghỉ việc, có 4 người muốn chuyển sang ngành khác (chiếm 40%). Trong đó, tỷ lệ cao nhất thuộc về ngành viễn thông (66%), du lịch (54%), điện tử (53%), vật liệu (53%), quảng cáo (51%)… 

Điều này tạo ra sự biến đổi lớn về cấu trúc ngành nhân lực, làm cho việc tuyển người vốn đã khó nay càng khó hơn do nguồn cung giảm với những ngành đòi hỏi nhân sự chuyên môn. Ngược lại, với các ngành và doanh nghiệp có độ cởi mở đón nhận nguồn nhân lực mới từ các ngành khác, đây lại là cơ hội.

-2117-1657191622.jpg

Người lao động càng ngày càng thích àm việc tự do

Thay đổi lớn trong tư duy chọn việc và cách thức làm việc 

Khi nghỉ việc, thay vì tiếp tục lựa chọn hình thức làm việc toàn thời gian cho các công ty, 14% người đi làm chia sẻ rằng họ sẽ nghỉ việc để làm công việc tự do, 39% chọn làm công việc cố định nhưng vẫn sẵn sàng làm công việc tự do hoặc làm thêm công việc thứ 2 (ví dụ bán hàng online). 

Có thể thấy một xu hướng mới của người đi làm "hậu Covid-19": Thích chọn những công việc tự do, thoải mái về giờ giấc.  Điều này góp phần khẳng định xu hướng nền kinh tế chia sẻ sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nghỉ việc vì thiếu gắn kết

Theo Anphabe, nguyên nhân cho tình trạng nghỉ việc ồ ạt và người ra đi cũng không mặn mà “giữ quan hệ tốt” với công ty cũ là do mức độ gắn kết của người đi làm Việt Nam đang thấp chưa từng có. Trong đó, các biểu hiện thiếu tích cực nhất bao gồm việc người lao động thấy mơ hồ về tương lai tại công ty, không tìm thấy niềm vui và sự hứng khởi khi đi làm, bị mệt mỏi và thiếu tinh thần để làm tốt công việc.

Trong khi người lao động kỳ vọng nhiều nhất ở môi trường làm việc là yếu tố cân bằng công việc và cuộc sống thì các doanh nghiệp lại cung cấp nhiều nhất yếu tố “công việc thách thức”.

Tình trạng “thừa thách thức, thiếu cân bằng” dẫn tới kiệt sức nơi công sở là nguyên nhân lớn của xu hướng nhảy việc ồ ạt và xáo động về định hướng làm việc đang diễn ra. 

-7282-1657191622.jpg

Sự gắn kết và động lực làm việc của người đi làm ngày càng thấp

Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc Điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc tại Anphabe cho rằng, có thể coi thực tế nghỉ việc tại một DN như “thước đo” khả năng gắn kết nhân viên cũng như chính sách nhân sự của DN trong khoảng thời gian trước đó. 

“Vì thế, hy vọng rằng bên cạnh việc chuyển đổi kinh doanh, các công ty sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho mục tiêu chăm sóc, gắn kết người lao động tương ứng với các xu hướng mới, đồng thời xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng theo hướng mở rộng nguồn nhân lực tiềm năng và thu hút nhân tài với các giá trị cốt lõi, phù hợp với mục tiêu mới của DN để gia tăng khả năng gắn kết lâu dài”, bà Thanh Nguyễn tư vấn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xáo động lớn trong nguồn nhân lực Việt Nam: Những hệ luỵ và cảnh báo đối với doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO