Số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu lên gần 3 triệu, hơn 200.000 người tử vong

Khởi Vũ| 26/04/2020 00:00

Đến sáng 26/4/2020, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã lên gần 3 triệu, với hơn 200.000 người tử vong, lần lượt gấp 5,5 lần và hơn 8 lần so với thời điểm một tháng trước.

Số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu lên gần 3 triệu, hơn 200.000 người tử vong

Y tá tại bệnh viện Brooklyn, New York, chăm sóc một bệnh nhân trong phòng hồi sức tích cực hôm 16/4. Ảnh: NY Times.

Cụ thể, theo WorldoMeter, tổng số ca mắc Covid-19 cập nhật đến 10g00 sáng 26/4 là 2.921.201, với 203.289 trường hợp tử vong. Tại thời điểm này vào tháng trước, số người nhiễm bệnh trên toàn thế giới đạt 532.807, với 24.392 trường hợp tử vong.

Như vậy, hơn 80% số ca nhiễm Covid-19 mới được phát hiện trong 30 ngày gần nhất, và số người mắc bệnh lẫn tử vong ở thời điểm hiện tại đã tăng lần lượt gần 5,5 lần và 8,3 lần so với tháng trước. Nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng như trong 7 ngày vừa qua, nhiều khả năng số người mắc bệnh sẽ vượt ngưỡng 3 triệu vào ngày 27/4. 

Theo WorldoMeter, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong cao nhất, lần lượt ở mức 960.896 và 54.265 trường hợp, tức chiếm khoảng 1/4 số ca bệnh trên thế giới. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm quốc gia Anthony Fauci hôm 25/4 cho biết, Mỹ nên tăng gấp đôi số lượng xét nghiệm trong vài tuần tới, và việc này là hoàn toàn khả thi.

Xếp sau nền kinh tế lớn nhất thế giới về số ca nhiễm bệnh là Tây Ban Nha (223.759), Ý (195.351), Pháp (161.488), Đức (156.513) và Vương quốc Anh (148.377). Trong đó, quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất trong số 10 nước ghi nhận nhiều người nhiễm bệnh nhất là Pháp (14%), kế tiếp là Vương quốc Anh (13,6%), và Ý (13,5%).

Vào ngày 28/4 tới, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe sẽ trình bày kế hoạch nới lỏng các lệnh giới hạn trước Quốc hội, một phát ngôn viên của thủ tướng cho biết hôm 25/4. Đồng thời, các lệnh cách ly được áp dụng từ 17/3 tại Pháp dự kiến sẽ được dỡ bỏ vào ngày 11/5. Song, vào tuần trước, ông Philippe đã cảnh báo rằng "Pháp sẽ không thể trở lại bình thường trong một thời gian dài".

Trong khi đó, Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 89.328 ca nhiễm. Chính phủ Iran vẫn chưa cho phép trường học mở cửa trở lại cũng như tiếp tục cấm các hoạt động đông người như tụ họp văn hóa, tôn giáo và thể thao. Tuy nhiên, các trung tâm mua sắm, chợ và công viên nối lại hoạt động trong tuần này và cũng dỡ bỏ lệnh cấm đi lại liên thành phố.

Riêng tại Đông Nam Á, Singapore tiếp tục là 'ổ dịch' lớn nhất với 12.693 ca nhiễm, đa phần là lao động nhập cư tại các khu tập thể. Số ca tử vong là 12, không thay đổi trong ba ngày qua. 'Ổ dịch' chết chóc nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia, với tổng số ca tử vong vì Covid-19 là 720. Nước này hiện ghi nhận 8.607 ca nhiễm.

Trước tình hình số ca mắc bệnh tiếp tục tăng và nhiều quốc gia ghi nhận trường hợp tái dương tính, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, những người đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh không nhất định sẽ trở nên miễn nhiễm với SARS-CoV-2, ngay cả khi có kháng thể tồn tại trong cơ thể.

Do đó, xét nghiệm kháng thể là mấu chốt để chính phủ các nước cân nhắc phát hành "thẻ miễn dịch" cho người đã nhiễm Covid-19. "Không có bằng chứng nào cho thấy người đã nhiễm Covid-19 sẽ không thể bị tái nhiễm", WHO nói.

"Đến thời điểm này của đại dịch, chưa đủ bằng chứng cho thấy hiệu quả của miễn dịch qua kháng thể để đảm bảo độ chính xác của các ‘thẻ miễn dịch’ hay ‘giấy chứng nhận không rủi ro’", cơ quan này cho biết thêm.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 22/4, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, dù các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới để làm chậm sự lây lan của SARS-CoV-2 đã thành công, thì virus vẫn "cực kỳ nguy hiểm". 

"Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài. Virus này sẽ ở với chúng ta trong thời gian dài", Tổng giám đốc WHO nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu lên gần 3 triệu, hơn 200.000 người tử vong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO