Số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt 20 triệu, tiếp tục tăng gấp rưỡi trong 30 ngày

Bảo Quân| 10/08/2020 02:57

Tiếp tục đà tăng ở mức bình quân 1,5 lần trong 30 ngày đã diễn ra suốt 4 tháng qua, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới vừa vượt ngưỡng 20 triệu vào sáng 10/8/2020.

Số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt 20 triệu, tiếp tục tăng gấp rưỡi trong 30 ngày

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/8/2020 cho rằng, thế giới có thể sẽ không bao giờ tìm ra một "viên đạn bạc" nào để ứng phó với Covid-19, ám chỉ một giải pháp y tế hữu hiệu ngay tức khắc dành cho dịch bệnh, dù đã có nhiều hy vọng về vắc-xin trong thời gian qua. Do đó, con đường trở về "sự bình thường" nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài.

"Một số loại vắc-xin hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, và tất cả chúng ta đều hy vọng sẽ có một số loại vắc-xin hiệu quả có thể ngăn ngừa các trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có 'viên đạn bạc' nào, và có thể sẽ không bao giờ có", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Theo dữ liệu từ WorldoMeter, tổng số ca nhiễm bệnh cập nhật đến 11g00 sáng 10/8/2020 là 20.025.950, với 734.018 trường hợp tử vong và số ca bình phục là 12.900.621. Hiện, ngày ghi nhận số ca nhiễm bệnh cao nhất trong 24 giờ là ngày 24/7/2020, với 289.648 trường hợp.

Như vậy, so với cách đây 1 tháng, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng hơn 160%, khi vào sáng 10/7/2020, tổng ca mắc bệnh trên toàn thế giới ở mức 12.393.594. Còn nếu so với cách đây 2 tháng và 3 tháng, số ca nhiễm đã tăng lần lượt 2,7 lần và xấp xỉ 5 lần. Nếu đối chiếu với số ca nhiễm ghi nhận vào sáng 10/4/2020, số ca nhiễm đã tăng hơn 12 lần.

Nếu dịch bệnh tiếp tục đà tăng như hiện tại, ở mức trung bình 1,5 lần trong 30 ngày, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu có thể vượt ngưỡng 30 triệu người vào giữa tháng 9 tới, trừ phi các quốc gia đang bị dịch bệnh hoành hành tìm ra giải pháp dập dịch hiệu quả.

Link bài viết

Hiện, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới, với gần 5,2 triệu ca nhiễm và hơn 165.000 người tử vong. Trong đó, các bang như California, Florida và Texas vẫn là các 'điểm nóng' Covid-19 tại Mỹ, với số ca nhiễm đều vượt nửa triệu. Đáng chú ý, cách đây khoảng 2 tuần, số ca nhiễm bệnh tại Mỹ chỉ là 4 triệu. 

Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Robert Redfield vào cuối tháng 6 vừa qua cho biết, số ca nhiễm Covid-19 thực tế tại Mỹ có thể gấp 10 lần số liệu được công bố khi đó. Đồng nghĩa, cứ mỗi ca nhiễm được ghi nhận thì có khoảng gấp 10 lần số người bị nhiễm, do nhiều nguyên nhân như số lượng xét nghiệm bị giới hạn và nhiều ca nhiễm dạng nhẹ, không triệu chứng bị bỏ sót.

Theo Tiến sĩ Scott Gottlieb - cựu quan chức thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), khoảng 300.000 người Mỹ có thể sẽ chết vì Covid-19 vào cuối năm nay, nếu tình hình dịch không chuyển biến tích cực. Trên toàn quốc, ít nhất 27 bang đã tạm dừng hoặc hoãn kế hoạch mở cửa trở lại, cũng như áp lệnh giãn cách xã hội mới.

Còn tại Brazil - ổ dịch lớn thứ hai thế giới, số trường hợp tử vong đã lên 101.136; ca nhiễm tại nước này hiện ở mức 3.035.582. Theo giới chuyên gia, số liệu Covid-19 thực tế ở Brazil có thể cao hơn rất nhiều so với báo cáo, do hạn chế xét nghiệm. Song, bất chấp làn sóng dịch bệnh chưa có dấu hiệu chậm lại tại Brazil, nước này vẫn dần tái mở cửa hoạt động kinh tế, làm tăng nguy cơ dịch bệnh kéo dài.

Tại Ấn Độ và Nga - vùng dịch lớn thứ 3 và thứ 4 thế giới, tình hình dường như đang diễn biến trái ngược. Trong khi số liệu về dịch bệnh có xu hướng giảm dần tại Nga, các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn - nơi 70% người Ấn Độ sinh sống, đang trở thành những vùng dịch mới sau khi đã hoành hành tại các điểm nóng đô thị như New Delhi và Mumbai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt 20 triệu, tiếp tục tăng gấp rưỡi trong 30 ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO