10 điểm nóng môi trường trên thế giới

Quỳnh Lâm| 28/04/2020 01:00

Từ nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về những nguy hại của việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Thông điệp này ngày càng rõ ràng hơn khi thế giới vẫn nóng lên theo nghĩa đen vì tình trạng biến đổi khí hậu.

10 điểm nóng môi trường trên thế giới

Trong năm 2019, lần đầu tiên thông điệp về sự nóng lên của trái đất được nhấn mạnh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hành tinh xanh của chúng ta vẫn đang tiếp tục nóng lên. Mối đe dọa do biến đổi khí hậu đã trở nên nghiêm trọng và rõ ràng hơn rất nhiều. Dưới đây là những điểm nóng liên quan đến môi trường trên toàn thế giới đáng phải nhận được sự quan tâm rõ rệt của mọi người để hành động nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, theo đánh giá của trang Variety.

Amazon

Việc khai thác dầu, gỗ và quặng mỏ là những hành động đe dọa rừng nhiệt đới Amazon cũng như chính người bản địa nói chung và người Brazil nói riêng. Riêng trong năm 2018 đã có đến 72.843 vụ hỏa hoạn, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà hoạt động môi trường và các tổ chức như WWF (Quỹ Động vật hoang dã quốc tế) từng lên tiếng cảnh báo rằng, nếu Amazon đạt đến điểm không thể phục hồi, khu rừng nhiệt đới này sẽ trở thành một thảo nguyên khô và khan hiếm động vật. Sẽ thật tệ hại nếu như điều đó xảy ra vì Amazon sẽ bắt đầu thải ra carbon, khiến tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.

amazon-jpeg.jpg

Bắc Cực

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Bắc Cực đang ấm lên gấp đôi so với toàn bộ bề mặt địa cầu. Tình trạng này khiến các loài động vật hoang dã ở đây đang lâm vào cảnh nguy hiểm. Gấu Bắc Cực có nguy cơ tuyệt chủng, không chỉ vì sự nóng lên và tan chảy nhanh chóng của băng, mà còn vì chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch theo dõi nhanh sự phát triển dầu khí trong môi trường sống của chúng. May mắn là các tổ chức bao gồm Trung tâm Đa dạng sinh học và Trái đất, được hỗ trợ bởi các diễn viên như Mayim Bialik và Melissa Rauch, đang nỗ lực để xóa bỏ những bất công môi trường này.

GettyImages-498047592-0_1588006079.jpg

Úc

Cảnh quan Úc trong năm ngoái bị tàn phá nặng nề bởi các vụ cháy rừng. Hồi đầu năm 2020, Úc lại một lần nữa trở thành "điểm nóng" của thế giới khi đám cháy gần thị trấn Corryong ở bang Victoria đã hợp nhất với đám cháy khổng lồ ở bang New South Wales, bao phủ diện tích hơn 700.000 hecta. Được biết, lính cứu hỏa tại thời điểm trên đã phải vật lộn đối phó với các trận hỏa hoạn trong điều kiện gió to suốt đêm. Chưa hết, sét đánh gây ra thêm các vụ cháy mới ở hai bang New South Wales và Victoria. May mắn là 1t.org - tổ chức được thành lập bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới và các đối tác kinh doanh khác đã lên kế hoạch cho việc trồng 1 nghìn tỷ cây xanh vào năm 2030. Công ty Phần mềm Salesforce, được điều hành bởi CEO Marc Benioff, cũng đang đẩy mạnh giúp đỡ cũng như cam kết trồng 100 triệu cây như một phần của chiến dịch tái gầy dựng mảng xanh của 1t.org.

australia.jpg

California (Mỹ)

California là tiểu bang sản xuất dầu hàng đầu và cũng là một điểm nóng vì phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm khí nhà kính. Trung tâm Đa dạng sinh học đã giành được nhiều vụ kiện chống lại khai thác dầu ở California. Gần đây, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tạm thời buộc đóng cửa các doanh nghiệp và giao thông, không còn làm tắc nghẽn đường cao tốc Los Angeles. Tuy vậy, chẳng ai biết được không khí trong lành này sẽ kéo dài bao lâu?

05California-Today-heat-superJumbo.jpg

Vùng Caribe

Do suy thoái chất lượng đất, nạn phá rừng và thay đổi ở vùng nước ngọt và đại dương, các quốc gia vùng Caribe như Antigua và Barbuda, St. Kitts và Nevis và Dominica đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Những điều này gây tác động trực tiếp đến du lịch và nghề cá cũng đã bị tàn phá nghiêm trọng.

AP7319160846261_1588005777.jpg

Đường dẫn dầu Dakota Access

Vào tháng 12/2016, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Obama đã từ chối cấp phép cho đường dẫn dầu Dakota Access (DAPL) qua sông Missouri. Tuy nhiên, trong ngày thứ hai tại vị, Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược trật tự đó. Việc xây dựng đường ống đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động hồi tháng 6/2017. Được biết, đường ống dẫn dầu Dakota Access dài 1.172 dặm (1.886km) trải rộng trên 4 bang của nước Mỹ. Khi được hoàn tất, dự án có trị giá 3,8 tỷ USD này sẽ vận chuyển dầu từ North Dakota tới trung tâm phân phối ở Illinois.

Dakota-Access_1588005788.jpg

Châu Âu

Hồi cuối năm 2019, Nghị viện châu Âu từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu và môi trường toàn cầu. Theo báo cáo năm 2019 của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), hầu như mọi người châu Âu sống ở thành phố đều phải đối mặt với mức độ ô nhiễm vượt quá ngưỡng an toàn. Theo nghiên cứu của EEA, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí là do khí nito dioxit, thường gặp trong khí thải của ô tô. Trước tình hình này, chính phủ Anh đã đề xuất một dự luật môi trường mới với các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giúp giảm các hạt mịn trong không khí và buộc các nhà sản xuất ô tô phải thu hồi những xe không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố châu Âu có xu hướng giảm trong mùa dịch Covid-19. Song cũng như bang California của Mỹ, xu hướng giảm ô nhiễm chẳng biết sẽ được duy trì trong bao lâu.

paris-is-so-hot_1588005798.jpg

Haiti, Kenya, Nicaragua, Colombia, Ấn Độ, Mỹ

Theo các nghiên cứu khoa học, nước thải không được xử lý và bùn phân là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước trên toàn thế giới. Ước tính có đến hàng tỷ người thiếu nước sạch cho các sinh hoạt hằng ngày. Hơn 2,5 tỷ người không được sử dụng nhà vệ sinh. Trên cơ sở hằng năm, 1,8 triệu người chết vì bệnh tiêu chảy và một nửa số người chết là trẻ em dưới 5 tuổi.

clean-water_1588005814.jpg

Đại Dương

Ô nhiễm, chất thải nhựa, những kẻ săn trộm, tất cả đều là những "kẻ thù" đe dọa đại dương. May mắn là Paul Watson - người thành lập Hiệp hội Bảo tồn Môi trường Biển như một phong trào ở cơ sở vào năm 1977, đã chiến đấu không mệt mỏi để đảo ngược xu hướng đó. Được biết, tổ chức bảo tồn biển phi lợi nhuận này đã mở rộng thành một phong trào quốc tế, với các nhóm hiện diện ở hơn 20 quốc gia. Tất cả đều đồng lòng làm chung một việc để bảo vệ các đại dương trên thế giới khỏi sự khai thác và hủy hoại môi trường bất hợp pháp.

The-Indian-Ocean-could-play-a-major-role

Tây Phi

Các quốc gia từ Liberia, Ghana đến Bờ Biển Ngà đang phải vật lộn với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Họ thiếu nguồn lực để chống lại xói mòn bờ biển và rừng. Để cải thiện bảo tồn và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu trong khu vực, chương trình đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu (WABiCC) của Tây Phi đã được thành lập. Chương trình này là một sáng kiến gồm sáu đối tác được tài trợ bởi Cơ quan Quốc tế Hoa Kỳ.

erosion_1588006118.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 điểm nóng môi trường trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO