![]() |
Tại buổi công bố báo cáo cập nhật về tình hình Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương được tổ chức ngày 11/4 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định đến năm 2017, Việt Nam sẽ giảm mạnh số lượng nhà băng từ mức 34 hiện nay, song vẫn khó đạt mục tiêu còn lại 15 - 17 ngân hàng.
Theo ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho biết Việt Nam có quá nhiều ngân hàng nhỏ nên việc giảm xuống 17 ngân hàng là cần thiết nhưng rất khó để đạt tốc độ này trong năm 2017.
"Việc giảm số lượng ngân hàng không nên vội vàng, quan trọng là phương thức, quy trình sáp nhập, hợp nhất phù hợp. Con số không quan trọng bằng cải cách của Ngân hàng Nhà nước", đại diện WB cho hay.
Nợ xấu toàn ngành ngân hàng tuy đã giảm xuống còn mức 3% tổng giá trị các món vay. Kết quả giảm nợ xấu này đạt được chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và chuyển các món nợ xấu sang Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).
Tuy các ngân hàng bị yêu cầu dự phòng dần dần cho khoản tài sản chuyển sang VAMC, nhưng khoản tín dụng và các rủi ro liên quan gây tổn hại đến nguồn vốn vẫn chưa được xoá bỏ hoàn toàn.
WB đánh giá, viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2016 tương đối tích cực nhưng rủi ro tiêu cực vẫn chiếm ưu thế. Chính vì vậy, cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 xuống 6,2% thấp hơn mức 6,5% hồi đầu năm. Lạm phát cũng chậm lại do tình hình toàn cầu không mấy sáng sủa và giá năng lượng, thực phẩm toàn cầu giảm.
Dự kiến thâm hụt tài khoá sẽ bắt đầu giảm nhằm giảm nguy cơ tăng nợ công. Thâm hụt thương mại sẽ tăng làm cho cán cân vãng lai bị giảm nhẹ.
Theo ông Sandeep Mahajan, mỗi quốc gia có một chính sách tài khoá riêng phù hợp với điều kiện của mỗi nước. Với Việt Nam cần giảm bớt gánh nặng đối với khu vực tư nhân, có giải pháp củng cố tài khóa trong trung hạn.
Tuy nhiên, nếu so sánh tăng trưởng Việt Nam với các nước khác, Việt Nam vẫn là quốc gia có mức tăng trưởng tốt.
WB khuyến nghị Việt Nam phải thực hiện ổn định tài khoá, tăng cường linh hoạt tỷ giá, và nâng dự trữ ngoại tệ để giảm nhẹ những yếu tố dễ bị tổn thương này.
>Sáp nhập ngân hàng còn rất nhiều rủi ro
>Đằng sau cuộc sáp nhập Ngân hàng - Công ty tài chính
> Sáp nhập ngân hàng: Những vấn đề cần bàn thêm