Vốn cho doanh nghiệp: Cần chính sách đủ mạnh

Hồng Nga| 10/11/2021 01:30

Vốn là một trong ba nỗi lo của doanh nghiệp (DN) khi mùa sản xuất cuối năm đang vào vụ. Đây là lúc DN cần được hỗ trợ mạnh từ Nhà nước để có thể tái sản xuất, kinh doanh bởi dòng tiền dự trữ đã cạn kiệt sau thời gian gồng mình chống đại dịch.

Giải quyết ba cái khó của doanh nghiệp khi trở lại sản xuất

Tưởng sẽ "dễ thở" khi trở lại sản xuất, kinh doanh sau giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng không, doanh nghiệp (DN) lại đối diện với những khó khăn mới khi thiếu hụt lao động, cạn kiệt nguồn tiền và nhiều loại chi phí tăng cao.

Dòng vốn đã cạn 

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết, sau mấy đợt dịch, hầu hết DN đều hụt nguồn vốn tái sản xuất, đặc biệt là DN ngành lương thực, thực phẩm. Có rất nhiều DN đã tung hết vốn dự trữ để đảm bảo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM trong thời điểm giãn cách nên rất cần vay ngân hàng. Muốn vay ngân hàng (NH), DN cần tài sản thế chấp nhưng những tài sản này đã được thế chấp đợt vay trước. Cái khó là ở chỗ đó. 

Thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ DN, nhưng theo bà Kim Chi, đến giờ đa phần DN được giảm lãi suất với mức chỉ 1%, số DN được giảm 2% rất ít. Những chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cũng chỉ là hoãn nợ, giãn nợ... mới chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ cho DN. 

Năm 2020, các chính sách hỗ trợ như giảm lãi vay cho DN đã được ngành NH đưa ra, như khoanh, giãn nợ, giảm lãi và sắp tới có thể có gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất 2-3%/năm thuộc các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, như vận tải, du lịch...

Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc giảm lãi suất thôi chưa đủ vì nếu giảm lãi suất mà DN không tiếp cận được tín dụng thì lãi vay thấp hay cao cũng vậy. Để quay lại thị trường, DN cần vốn nhưng cái khó là nhiều DN vừa phải trải qua giai đoạn kinh doanh đình đốn, liệu NH có dám cho vay tiền? Hay một số DN đã được miễn giảm lãi vay sẽ bị xếp vào diện "sức khỏe kém" và như vậy khó lòng tiếp cận nguồn vốn mới. 

Sau thời gian dài giãn cách xã hội, từ cuối tháng 9, nhiều DN dệt may, da giày đã tăng ca sản xuất để bù đơn hàng bị chậm. DN ngành nhựa, cao su... cũng trở lại nhịp sản xuất trong tình trạng "bình thường mới". Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty Cao su Đức Minh, dù nhiều DN đã trở lại sản xuất nhưng hàng hóa tiêu thụ khá chậm trong khi dòng tiền không còn, không thể quay vòng sản xuất...

detmay-9310-1636515107.jpg

Cần chính sách đủ mạnh

Theo bà Lý Kim Chi, khi DN không "mượn" được của NH sẽ mượn nơi khác (thân nhân, bạn bè...) nhưng lãi suất sẽ cao hơn nhiều. Bà Kim Chi đề xuất: "Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách 'giãn' hơn đối với DN. Chẳng hạn, với những DN làm ăn tốt thì có thể dùng tài sản thế chấp cũ (trước đây định giá 70-75%, nay có thể tăng lên 80-90%). Bên cạnh đó, cho vay mới không cần thế chấp tài sản và lãi suất phải giảm sâu hơn nữa mới cứu được DN trong lúc này. Đề nghị lãnh đạo thành phố có nguồn vốn nào đó để hỗ trợ DN sản xuất. Nguồn vốn này cho vay với lãi suất thấp nhất, cho vay hỗ trợ trong một vài năm. Nên có nguồn vốn với cơ chế đặc biệt cho DN TP.HCM".

Theo nhiều doanh nhân, các chính sách hỗ trợ DN vừa được thông qua chưa đủ mạnh, chỉ mới mang tính hỗ trợ. Trong khi đó, để kích hoạt lại sản xuất, cần phải có một "cú hích" đủ lớn để tạo sức bật cho DN. Những chính sách mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhằm hỗ trợ DN, người dân nên kéo dài đến hết tháng 6/2022, hay đến cuối năm 2022. Chỉ như vậy mới có thể tạo ra động lực cho các công ty, hộ gia đình vượt qua khó khăn hiện nay.

TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, DN gần như đã cạn lực, vì thế rất cần những hỗ trợ thiết thực về thị trường, việc làm và thanh khoản. Việc hỗ trợ DN cần được thực hiện đủ lớn, đủ dài về thời gian, ít nhất là hai năm vì những tổn thất của DN qua mấy đợt dịch là nhiều chưa từng có. Họ cần nguồn lực để vượt khó cũng như bắt nhịp đà hồi phục kinh tế thế giới.

Cũng theo TS. Võ Trí Thành, các giải pháp hỗ trợ DN sẽ gồm cả giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài. "Nên dựa trên mức độ thiệt hại do dịch gây ra, sự lan tỏa, đóng góp vào ngân sách, nền kinh tế của các ngành, lĩnh vực mà có chính sách hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn như lĩnh vực dệt may, da giày, gỗ - những ngành chủ lực đóng góp hàng chục tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu chung. Hay ngành xây dựng, khi các dự án đầu tư xây dựng được khởi công sẽ mang tính lan tỏa, tạo việc làm, tăng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác", ông Thành nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn cho doanh nghiệp: Cần chính sách đủ mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO