Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam chính thức gia nhập APEC tháng 11/1998. Nhìn lại toàn bộ quá trình hơn mười năm tham gia APEC, có thể thấy đây là một diễn đàn có đóng góp quan trọng đối với Việt Nam trên con đường hội nhập.
Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam chính thức gia nhập APEC tháng 11/1998. |
Cùng với ASEAN, ASEM và nhiều cơ chế khác, APEC đã mang đến cho Việt Nam những lợi ích thiết thực cả về kinh tế, chính trị và văn hóa trong hợp tác đa phương, đồng thời là một kênh hiệu quả để đẩy mạnh hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên APEC.
Mặc dù là không phải là thành viên sáng lập và trình độ phát triển còn thấp so với nhiều nền kinh tế APEC khác, nhưng Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực cho nhiều hoạt động hợp tác của APEC với tinh thần trách nhiệm cao. Những nỗ lực này đã góp phần không nhỏ nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện rõ nét nhất ở việc Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Năm APEC 2006, ghi đậm dấu ấn Việt Nam trong tiến trình hợp tác APEC.
Bên cạnh việc Hội nghị cấp cao ra Tuyên bố riêng ủng hộ Nghị trình Phát triển Doha, APEC 2006 còn được các thành viên đặc biệt đánh giá cao, coi đây là năm bản lề của cải cách APEC. Việc Việt Nam tổ chức chu đáo trên 100 sự kiện lớn nhỏ, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh và nhiều hội nghị cấp Bộ trưởng, đã thể hiện sự lớn mạnh cả về thế và lực của đất nước, giành được sự tin tưởng và tôn trọng của bạn bè quốc tế.
Không chỉ giới hạn trong năm 2006, mà trong suốt quá trình là thành viên của APEC, với phương châm “biết mình, biết người,” Việt Nam đã năng động tham gia vào các lĩnh vực mà ta có điều kiện phát huy vai trò trong một diễn đàn kinh tế đa dạng về trình độ phát triển và phong phú về nội dung hợp tác như APEC. Việt Nam đã tham gia một số Kế hoạch hành động tập thể (CAPs) ở các lĩnh vực Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Thủ tục Hải quan, Kinh tế kỹ thuật (ECOTECH), Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC).
Thông qua những hoạt động phong phú đó, Việt Nam đã góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên, chia sẻ kinh nghiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ, phát triển hạ tầng, chuyển giao công nghệ. Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc giải quyết những thách thức đang đặt ra cho APEC. Năm 2009, các thành viên đã rà soát, đánh giá chính sách của Việt Nam trong việc mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trên cơ sở Kế hoạch Hành động Quốc gia (IAP) hàng năm của Việt Nam.
Hội nghị Cấp cao APEC 17: Duy trì tăng trưởng và kết nối khu vực
Ngày 14/11, Tuần lễ Cấp cao APEC 2009 mà sự kiện trọng tâm là Hội nghị Cấp cao APEC 17 diễn ra tại Singapore. Sự kiện này diễn ra đúng vào thời điểm trọng đại APEC tròn 20 tuổi, đồng thời là năm chuẩn bị hướng đến việc thực hiện các cam kết của mục tiêu Bogo.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng, Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế (AELM) lần thứ 17 tại Singapore có sứ mệnh quan trọng là tìm ra các giải pháp để duy trì tăng trưởng, phục hồi kinh tế và phát huy những thế mạnh cũng như tăng cường sự kết nối của các nền kinh tế thành viên, nâng hợp tác của APEC lên một tầm cao mới năng động và hiệu quả hơn, phấn đấu vì mục tiêu“Duy trì tăng trưởng và kết nối khu vực” mà chủ nhà Singapore đã đề xuất làm chủ đề cho APEC 2009.
Tuần lễ Cấp cao APEC 2009 tại Singapore đã bắt đầu, chuẩn bị khép lại một năm APEC sôi động. Ngày 14-15/11/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các nhà lãnh đạo APEC thảo luận, đưa ra các biện pháp cụ thể để tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững, toàn diện của các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hợp tác APEC hiện nay và trong thời gian tới.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia APEC và hơn 20 năm đổi mới kinh tế, với những nỗ lực và bài học đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, Việt Nam tự tin và quyết tâm sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên duy trì tăng trưởng và tăng cường kết nối giữa các nền kinh tế, đưa APEC trở thành một Diễn đàn hàng đầu về thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, phấn đấu vì một cộng đồng hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc cho mọi người dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Singapore dự hội nghị cấp cao APEC 17 5 giờ 15 phút chiều 13/11 (theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân tới Singapore dự hội nghị cấp cao APEC lần thứ 17 theo lời mời của Thủ tướng Lý Hiển Long. Đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân tại sân bay quốc tế Changi có Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Singapore Mah Bow Tan; Đại sứ Singapore tại Việt Nam Simon Wong; Đại sứ Nguyễn Trung Thành và đông đảo cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore. Khác với hội nghị cấp cao APEC năm ngoái tại Peru, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều triển vọng ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tài chính sớm hơn các khu vực khác trên thế giới, tiếp tục là một trong những “động lực tăng trưởng” quan trọng của kinh tế toàn cầu. Hội nghị cấp cao lần thứ 17 diễn ra cũng tròn 20 năm APEC hình thành với các mục tiêu về xúc tiến thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đẩu tư giữa các nền kinh tế thành viên. Chính vì vậy, nước chủ nhà Singapore chọn chủ đề của hội nghị cấp cao APEC lần thứ 17 là “Duy trì tăng trưởng, kết nối khu vực”. Cũng chính do những tín hiệu lạc quan của kinh tế thế giới và khu vực, không khí hội nghị và tổ chức của Singapore cũng phấn khởi và sôi động hơn hội nghị trước. Biểu tượng APEC và biểu trưng của hội nghị cấp cao APEC 17 được treo rực rỡ tại trung tâm hội nghị, trên một số tuyến phố chính, sân bay tại Singapore. Theo chương trình, sáng 14/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC và sẽ là diễn giả chính tại phiên thảo luận về “Đầu tư vào các thị trường mới nổi”. Chủ tịch nước cũng sẽ tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế. |