VinFast đã trở thành “điểm đến quốc gia” của nhiều nguyên thủ nước ngoài
Việc trở thành “điểm đến quốc gia” trong những chuyến thăm của các nguyên thủ nước ngoài, là minh chứng cho thấy VinFast đã trở thành biểu tượng mới của Việt Nam gắn với sự phát triển năng động và đang mạnh mẽ vươn ra toàn cầu.
Nâng tầm vị thế quốc gia
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước, ngày 13/1 vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thăm tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện của VinFast tại Hải Phòng. Ông Indonesia Joko đánh giá, VinFast là một trong những công ty ô tô đang có tốc độ phát triển rất nhanh. Ông cho biết sẽ tạo điều kiện để VinFast sớm hoàn tất các thủ tục đầu tư sản xuất và kinh doanh tại thị trường đông dân thứ 4 thế giới.
“Xe điện là một ngành công nghiệp đang phát triển rất nhanh, tôi hy vọng VinFast sẽ đầu tư vào Indonesia càng sớm càng tốt”, ông Joko Widodo nói và kỳ vọng sự hiện diện của VinFast sẽ thúc đẩy hệ sinh thái xe điện tại Indonesia phát triển hơn.
Trước đó, “đại bản doanh” của VinFast cũng được Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cùng nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của các quốc gia, tổ chức quốc tế đưa vào danh sách “điểm phải đến” khi tới Việt Nam. VinFast cũng là doanh nghiệp Việt hiếm hoi được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập trực tiếp và ca ngợi trên trang cá nhân.
Các chuyên gia cho rằng, hiếm có doanh nghiệp nào của Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ như thế từ nguyên thủ các nước. Trước đây, trong lịch trình của các nhà lãnh đạo quốc tế thường chỉ có các công trình văn hóa hay di tích lịch sử mang tính đại diện như Văn Miếu, Chùa Một Cột, Hồ Gươm…
“Việc lãnh đạo các quốc gia khi đến Việt Nam đều muốn tận mắt chứng kiến sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nội địa với thương hiệu đầu tiên VinFast là minh chứng cho thấy dấu ấn cũng như vị thế quốc tế của hãng xe Việt với vai trò là nhà sản xuất tiên phong, đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng xe điện toàn cầu”, bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định.
Cũng theo bà Phạm Chi Lan, khi lãnh đạo một nước đi thăm nước khác, nhất là những nước mà họ coi là đối tác kinh tế quan trọng, thì mối quan tâm hàng đầu của họ chính là trình độ phát triển và tiềm lực kinh tế của quốc gia đó, thể hiện thông qua các doanh nghiệp chủ lực, các trung tâm công nghệ cao, làm cơ sở cho các quyết định đầu tư hay mở rộng hợp tác lâu dài.
Khi đón khách quốc tế, mỗi nước cũng luôn muốn giới thiệu những thành tựu đột phá, những niềm tự hào của quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và khoa học - công nghệ. Những biểu tượng mới đó khẳng định sự phát triển và tầm vóc của quốc gia, nhằm chứng minh với thế giới về sức mạnh công nghệ, năng lực sản xuất, tạo ra những sản phẩm mới có thể cạnh tranh được, giúp nền kinh tế tham gia sâu vào thương mại toàn cầu.
Bà Phạm Chi Lan nhìn nhận, những hình tượng mới như VinFast mang lại giá trị cho đất nước và cũng tạo thêm niềm tin cho bạn bè quốc tế với Việt Nam. Có thể nói, VinFast đã trở thành biểu tượng mới của một Việt Nam phát triển năng động, mạnh mẽ vươn ra toàn cầu.
VinFast là tài sản quốc gia
Theo kế hoạch đã được công bố, VinFast dự kiến sẽ đầu tư tối thiểu 1,2 tỷ USD vào Indonesia trong dài hạn. GSM, hãng vận chuyển do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập, cũng công bố kế hoạch đầu tư tới 900 triệu USD vào Indonesia trong thời gian tới.
Trước đó, VinFast vừa công bố kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ, thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới với dự án xây dựng cơ sở sản xuất xe điện và pin trị giá 500 triệu USD cho giai đoạn 1. Cùng lúc, nhà máy sản xuất xe điện của hãng tại “siêu cường” kinh tế Mỹ, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2 tỷ USD, cũng đang được triển khai.
Bà Phạm Chi Lan đánh giá, những bước tiến ấn tượng ra thế giới như của VinFast là một quá trình phát triển thay đổi về “chất” mà quốc gia nào cũng mong đợi. Các nước Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia hay Thái Lan trước đây cũng đã từng là những nước đi tiếp nhận viện trợ ODA và FDI rất nhiều. Sau khi “tốt nghiệp” ODA, họ đầu tư mạnh ra nước ngoài. Vị thế và tầm ảnh hưởng của các quốc gia này cũng nhờ đó mà tăng lên.
“Bước tiến mạnh mẽ của VinFast ra quốc tế đóng góp vào việc cải thiện hình ảnh và vị thế quốc gia Việt Nam, làm cho nền kinh tế Việt Nam trở nên năng động hơn, có sức lôi cuốn hơn; đồng thời đánh dấu bước chuyển của Việt Nam, không chỉ là nơi tiếp nhận đầu tư mà còn có thể mang đầu tư ra quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thế giới”, bà Lan phân tích.
Từ Nhật Bản, GS. Trần Văn Thọ, GS danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết sau đổi mới, công nghiệp của Việt Nam đã tiến một bước lớn nhưng chủ yếu còn phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, chưa có một thương hiệu Việt đáng để người Việt tự hào. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của VinFast là bước tiến rất ấn tượng. VinFast kết hợp nội lực và ngoại lực một cách sáng tạo, đi ngay vào lĩnh vực công nghệ rất cao với sản phẩm chủ lực là ô tô điện, lĩnh vực mà cả thế giới đang hướng tới.
“Ô tô điện là ngành công nghiệp hiện đại, là sản phẩm tiêu thụ cao cấp của thế giới văn minh nên sự phát triển của ngành này dễ trở thành biểu tượng của quốc gia. Người Nhật tự hào có Toyota, Đức tự hào có BMW và Mercedez Benz, Hàn Quốc có Hyundai… Mong là VinFast sẽ thành công và ngày càng nhiều người Việt Nam tự hào có VinFast”, GS. Trần Văn Thọ kỳ vọng.
Còn với TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng, đây không phải nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp nào mà là của cả quốc gia. Cũng không doanh nghiệp riêng lẻ nào, dù tiềm lực tài chính mạnh đến đâu, có thể tự mình làm được nếu thiếu đi sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước.
Dẫn bài học từ sự thành công của Hàn Quốc trong việc xây dựng thương hiệu ô tô nội địa, đưa đất nước trở thành “thủ phủ” của ngành công nghiệp ô tô châu Á, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, người Hàn Quốc đủ khôn ngoan để biết điện thoại Samsung kém iPhone, xe Hyundai, KIA thua BMW, Mercedes. Dù vậy, họ vẫn ủng hộ và tin dùng bởi đó là cách thiết thực họ chung tay bảo vệ tài sản quốc gia và vun đắp niềm tự hào dân tộc.
“Thương hiệu VinFast giờ đây đã trở thành một tài sản quốc gia mà cả Chính phủ và người dân Việt Nam cần phải tìm mọi cách để gìn giữ. Thương hiệu đó còn vô cùng non trẻ, cần phải được bảo vệ cẩn trọng trong cuộc “so găng” với những “tay chơi” toàn cầu mới có thể tồn tại và phát triển được”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.