59% doanh nghiệp được Standard Chartered khảo sát cho biết, đang tập trung vào việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu của Huỳnh Tấn Truyển/Cuộc thi ảnh Tự hào hàng Việt 2018 |
Việt Nam hiện nằm trong tốp dẫn đầu các thị trường mục tiêu tại ASEAN để mở rộng hoạt động kinh doanh của DN. Cụ thể, theo Ngân hàng Standard Chartered, 80% DN tham gia khảo sát một cuộc khảo sát mới đây cho biết, họ đang tập trung vào việc mở rộng hoạt động tại Singapore, tiếp đến là Thái Lan (60%) và Việt Nam (59%) để nắm bắt các cơ hội bán hàng và sản xuất.
Dẫn đầu nhóm thị trường mục tiêu, Singapore được xem là địa điểm hấp dẫn để doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc văn phòng bán hàng, marketing (79%) và các trung tâm R&D hay trung tâm sáng tạo (73%) ở quy mô khu vực, trong bối cảnh DN tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại ASEAN.
Riêng với thị trường Việt Nam, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam - Michele Wee nhận định: “Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội kinh doanh và đầu tư hấp dẫn nhờ nền tảng cơ bản mạnh mẽ - tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thị trường nội địa ngày càng mở rộng, chi phí lao động thấp, lực lượng lao động dồi dào, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do và có vị trí địa lý chiến lược".
Link bài viết
Hấp dẫn không chỉ đối với doanh nghiệp ASEAN
Trên thực tế, Việt Nam là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á 10 năm qua và thậm chí chứng kiến tăng trưởng vào năm 2020, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19. Đây cũng là quốc gia hưởng lợi sau thương chiến Mỹ - Trung, khi các công ty Mỹ và Nhật Bản chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Theo Trưởng bộ phận nghiên cứu của Dragon Capital - Lê Anh Tuấn, cùng với rủi ro thương chiến, việc hiệp định đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tạm dừng có khả năng thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, nhất là nhà đầu tư EU, tìm kiếm một điểm đến đầu tư thay thế, với Việt Nam là một trong lựa chọn hàng đầu.
Dù vậy, EU hiện vẫn đang đi sau các nền kinh tế lớn khác về đầu tư vào Việt Nam. Theo số liệu của EU, tính đến 2019, vốn đầu tư EU rót vào Việt Nam đạt 6,1 tỷ Euro, nhỏ hơn nhiều so với 60 tỷ USD đầu tư tích lũy của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong nửa đầu 2021, Việt Nam đã nhận xấp xỉ 15,3 tỷ USD FDI, với 5,64 tỷ USD từ Singapore, tiếp theo là Nhật Bản (2,44 tỷ USD) và Hàn Quốc (2,05 tỷ USD). Khoản đầu tư đáng kể trong 10 năm qua của gã khổng lồ Samsung đã biến công ty con của họ trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai, sau Mỹ.
Những năm qua, Apple và Foxconn cũng đầu tư mạnh vào Việt Nam, gồm cả khoản cam kết bổ sung 700 triệu USD trong năm nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến tháng 5/2021, lũy kế FDI từ Hà Lan (10,3 tỷ USD) lớn hơn của Mỹ (9,6 tỷ USD). Pháp, Đức và Luxembourg hiện lần lượt là các nhà đầu tư lớn thứ 16, 17 và 18 tại Việt Nam. Thụy Sĩ và Bỉ ở vị trí thứ 20 và 22.
Gã khổng lồ công nghệ Đài Loan Foxconn - một trong số các công ty nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam |
Thách thức và giải pháp trong thời gian tới
Đề cập trong báo cáo Kinh doanh không biên giới: Hành lang thương mại nội khối ASEAN, Standard Chartered cho biết, hầu hết doanh nghiệp ASEAN hiện rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng tại khu vực trong 12 tháng tới, với 99% DN được hỏi kỳ vọng sẽ ghi nhận sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất và 96% kỳ vọng tăng trưởng về doanh thu.
Theo ý kiến của lãnh đạo cấp cao các DN tham gia khảo sát, 3 trong số các động lực quan trọng để thúc đẩy mạnh việc mở rộng kinh doanh tại khu vực gồm khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng ngày càng mở rộng tại ASEAN (69%), khả năng tiếp cận với thị trường quốc tế thông qua mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (59%) và nguồn lao động dồi dào có tay nghề cao (49%).
Link bài viết
Bên cạnh đó, với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng có thể giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư vào ASEAN, tất cả DN tham gia khảo sát đều có kế hoạch mở rộng đầu tư trong 3-5 năm tới.
Đi cùng với các kỳ vọng trên, các DN tham gia khảo sát cũng chỉ ra nhiều rủi ro lẫn thách thức trong khu vực. Cụ thể, 3 rủi ro ro lớn nhất là tình hình Covid-19 hoặc các rủi ro khác liên quan đến sức khỏe (75%); bất ổn địa chính trị và xung đột thương mại (60%); nền kinh tế hồi phục chậm chạp và nhu cầu tiêu dung suy giảm (49%).
Riêng các thách thức lớn nhất trong 6 - 12 tháng tới, gồm thay đổi mô hình kinh doanh để thích nghi với các điều kiện và thực tiễn của từng lĩnh vực (67%); xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp và thích nghi với các yêu cầu về kho vận của chuỗi cung ứng (66%); am hiểu quy định của các quốc gia trong khu vực cũng như các phương pháp và cơ sở hạ tầng thanh toán (53%).
Theo đó, để thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, ổn định trong ASEAN cũng như giảm rủi ro và thách thức, lãnh đạo DN tham gia khảo sát đã chỉ ra các khía cạnh quan trọng cần được chú ý. Chúng bao gồm thiết lập quan hệ hợp tác/liên doanh để tăng cường sự hiện diện (53%); thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững và ESG (53%); thực hiện các chương trình chuyển đổi số (52%).
Để hỗ trợ tăng trưởng, các DN này cho biết họ đang tìm kiếm đối tác ngân hàng với năng lực mạnh mẽ về quản lý dòng tiền (52%); dịch vụ tăng vốn và cấp vốn cho DN (52%); và các dịch vụ tài trợ thương mại (47%).