Các quốc gia và vùng lãnh thổ đứng cuối bảng xếp hạng gồm Hồng Kông (giảm 95%), Nhật Bản (giảm 89%), Nga (giảm 88%), Hàn Quốc (giảm 80%), Việt Nam (giảm 77%), Malaysia (giảm 76%), New Zealand (giảm 76%), Thái Lan (giảm 75%), Indonesia và Úc (cùng giảm 71%). Danh sách này không tính Trung Quốc đại lục vì vẫn chưa mở cửa.
Những nước nằm trong top đầu về sự phục hồi là Cộng hòa Dominica (tăng trưởng 5%), Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Costa Rica đều đạt lượng khách bằng hoặc tương đương cùng kỳ 2019.
Dù vậy, sự hồi phục của du lịch châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng được ForwardKeys (công ty dự báo xu hướng của ngành du lịch có trụ sở tại Tây Ban Nha) đánh giá đang đi đúng hướng với nhiều chương trình xúc tiến tại nước ngoài, tìm kiếm nguồn khách mới thay thế, cũng như tăng cường các đường bay mới...
Cụ thể, Phú Quốc liên tục đón các chuyến bay từ châu Âu và các nước Trung Á. Khánh Hòa cũng có nhiều chương trình quảng bá và các buổi hội thảo với đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường khách ở Hàn Quốc, tìm nguồn khách mới từ Kazakhstan, Ấn Độ... Ngoài ra, những tháng cuối năm sẽ là mùa điểm của khách quốc tế đến khu vực Đông Nam Á.
So với các châu lục khác, châu Á - Thái Bình Dương cũng bị đánh giá tụt hậu trong việc phục hồi. Một trong những lý do khiến khu vực này bị xếp ở vị trí thấp là Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng cửa với khách du lịch. Các chuyên gia cho biết những tháng cuối năm, khu vực đã có những cải thiện lạc quan khi các điểm đến du lịch nóng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản mở lại.
So với trước dịch, nửa cuối năm 2022 châu Á - Thái Bình Dương đã có chuyển biến đáng kể, khi đón lượng khách chỉ giảm trung bình 67%. Trong khi đó, con số của nửa đầu năm là giảm 82%. Trong số các điểm đến ở châu Á - Thái Bình Dương, ba nước được đánh giá phục hồi nhanh nhất là Pakistan, Maldives và Bangladesh, khi lượt khách quốc tế ghé thăm chỉ kém 2019 lần lượt là 5%, 7% và 8%.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, sau 10 tháng của năm 2022, Việt Nam mới đón hơn 2,1 triệu lượt khách, chưa được 50% so với kế hoạch. Hàn Quốc đang chiếm số lượng khách lớn nhất, chủ yếu tập trung vào Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Kiên Giang...
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn ít do nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc Trung Quốc, thị trường chính chiếm hơn 32% lượng khách vào Việt Nam trước dịch, vẫn chưa mở cửa, được cho là nguyên nhân chính. Lý do thứ hai là xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, làm ảnh hưởng đến lượng khách Nga cũng như nguồn khách từ châu Âu, vốn đứng thứ hai trước Covid-19.