Theo chi nhánh Ipsos tại Việt Nam, người Việt Nam tiêu thụ nhựa bình quân từ 3,8-41kg/người/năm trong giai đoạn 1990-2015 (tăng đều 10% mỗi năm). Điều này khiến chất thải nhựa ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Dự báo, đến năm 2050, biển Việt Nam sẽ chứa rác thải nhựa nhiều hơn cả nếu Chính phủ Việt Nam không có biện pháp hạn chế toàn dân sử dụng vật dụng được sản xuất từ nhựa.
Cũng theo Ipsos, có 55% người tiêu dùng trong một đợt khảo sát xem chất thải nhựa là vấn đề ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng, thì 33% người tiêu dùng trong đợt khảo sát này lại cho rằng họ không thể làm gì nếu không có chai nước bằng nhựa. Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng cho rằng, giải pháp khả thi để giảm các vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra là sử dụng nhựa sinh học có thể phân hủy.
Ipsos cảnh báo, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ trở thành "bãi rác toàn cầu" với lượng rác thải nhựa nhập khẩu tăng 200% trong năm 2018. Để hạn chế nguy cơ này, Chính phủ Việt Nam đã cấm sử dụng túi nhựa một lần tại tất cả cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống vào năm 2021 và trên cả nước vào năm 2025. Thực tế, việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng chung quanh việc sử dụng túi nhựa hiện nay là một thách thức toàn cầu.