Trong nước

Việt Nam nỗ lực đạt mục tiêu vào top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động

Thanh An 10/11/2023 15:23

Chính phủ Việt Nam quyết định đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm từ nay đến 2030, và nằm trong nhóm 03 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2030.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030, có hiệu lực từ ngày 8/11/2023.

Theo đó, chương trình đề ra mục tiêu đưa năng suất lao động trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, và tận dụng hiệu quả cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

20221129153345-1003nang-suat-lao-dong.jpg
Việt Nam đang phấn đấu để được vào top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động.

Để hoàn thành mục tiêu của chương trình, Việt Nam cần đạt tốc độ tăng năng suất lao động bình quân lên trên 6,5%/năm, trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 - 7,5%/năm.

Ở thời điểm hiện tại, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ) cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023 - 2030.

Vì thế, Việt Nam cần phấn đấu nằm trong nhóm 03 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030. Việc duy trì thứ hạng cao về tốc độ này sẽ giúp Việt Nam dần đuổi kịp với năng suất lao động của các nước.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp dưới 30% vào năm 2020 và dưới 20% vào năm 2030. Bên cạnh đó là các nhiệm vụ về nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, có giá trị cao, nhấn mạnh lĩnh vực công nghệ bán dẫn, phát triển năng lượng mới như hydrogen xanh.

Cùng đó, triển khai các giải pháp sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động. Phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số sâu rộng trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp.

Đồng thời, Việt Nam sẽ thành lập Ủy ban năng suất quốc gia để các cơ quan chức năng, địa phương cũng thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động về các yêu cầu, rào cản để giải quyết các vướng mắc khiến năng suất lao động bị chậm.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động trong một số lĩnh vực, địa phương, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Cùng với đó là hình thành không gian phát triển các tiểu vùng phù hợp trong từng vùng kinh tế - xã hội để kết nối phát triển.

Sắp tới, Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh và định hướng phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên… Đặc biệt là hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê để theo dõi, đánh giá diễn biến năng suất lao động gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam nỗ lực đạt mục tiêu vào top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO