Việt Nam nhập khẩu hơn hơn 360.000 tấn phân bón từ thị trường Nga
Theo Tổng cục Hải quan, Nga đang là nhà cung cấp phân bón lớn thứ 2 cho Việt Nam với 362.326 tấn, trị giá hơn 164 triệu USD tăng 430% về lượng và tăng 355% về trị giá so với cùng kỳ.
Trong tháng 6, Việt Nam đã nhập khẩu 455.858 tấn phân bón với tổng giá trị hơn 154 triệu USD, giảm 14,3% về khối lượng và giảm 12,7% về kim ngạch so với tháng trước. Giá nhập khẩu trung bình đạt 338 USD/tấn, tăng 2% so với tháng trước đó.
Tổng kết trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 2,5 triệu tấn phân bón, với kim ngạch đạt hơn 838 triệu USD, tăng 52% về khối lượng và tăng 42,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc nhiều nhất với 1,03 triệu tấn, trị giá hơn 295 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình đạt 286 USD/tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Nga đã tăng mạnh xuất khẩu phân bón vào Việt Nam, vươn lên trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai với 362.326 tấn, trị giá hơn 164 triệu USD. Con số này đánh dấu mức tăng 430% về khối lượng và 355% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình từ Nga đạt 452 USD/tấn, giảm 14% so với năm trước.
Trong năm 2023, nước ta nhập khẩu từ Nga 288.727 tấn phân bón, tương đương với hơn 132 triệu USD. Như vậy ngay trong nửa đầu năm, sản lượng nhập khẩu phân bón từ Nga đã vượt sản lượng trong cả năm 2023 cộng lại.
Đứng thứ 3 trong số các nhà cung cấp phân bón của Việt Nam là Lào với 172.446 tấn, trị giá đạt hơn 45 triệu USD, tăng 60% về lượng và tăng 6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong những năm gần đây, thị trường xuất nhập khẩu phân bón của Việt Nam đã trải qua nhiều biến động đáng chú ý.
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,55 triệu tấn phân bón, đạt giá trị khoảng 648,9 triệu USD. Tuy nhiên, giá trung bình xuất khẩu chỉ đạt 419,6 USD/tấn, giảm 11,7% về khối lượng và 15,2% về giá trị so với năm trước. Campuchia là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 38% tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu, tiếp theo là Hàn Quốc và Malaysia. Mặc dù lượng xuất khẩu sang Campuchia tăng, giá trị lại giảm do giá phân bón trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm.
Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn phân bón trong năm 2023, với tổng cộng hơn 2,47 triệu tấn, trị giá khoảng 832 triệu USD. Mặc dù lượng nhập khẩu tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, giá trị lại giảm 18,9%. Trung Quốc, Nga và Lào là các thị trường nhập khẩu chính, trong đó giá phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc và Lào giảm đáng kể, điều này làm giảm chi phí cho nông dân nhưng gây áp lực lên các doanh nghiệp phân bón trong nước do giá bán thấp hơn chi phí sản xuất.
Dự báo cuối năm 2024 đầu năm 2025, thị trường phân bón sẽ tiếp tục biến động. Giá phân bón trên thế giới có thể giảm thêm do nguồn cung dồi dào và nhu cầu không ổn định. Việt Nam sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu từ các thị trường như Trung Quốc và Lào. Tuy nhiên, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân ure có thể gây thiếu hụt cục bộ và đẩy giá lên cao. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tập trung vào nâng cao hiệu suất sản xuất và quản lý chi phí để duy trì cạnh tranh. Việc tăng cường quản lý giá và sử dụng phân bón hiệu quả, cùng với áp dụng các biện pháp cải thiện đất đai.