Thứ nhất, ngành công thương phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời những chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân đồng thời khôi phục nền kinh tế, đảm bảo sự ổn định đời sống của nhân dân, tiếp tục thực hiện tốt các kế hoạch và chiến lược phát triển của đất nước.
Thứ hai, Bộ Công Thương phải tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình hành động liên quan đến các hiệp định thương mại tự do từ FTA với Liên minh châu Âu, với các nước trong CPTPP, Hiệp định thương mại kinh tế đối tác toàn diện như RCEP... Đây là những nội dung nền tảng để thực thi thành công hội nhập, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Thứ ba là phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ của cơ cấu và cơ cấu lại các ngành kinh tế hướng vào chiều sâu, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng. Đồng thời, tập trung vào khởi nghiệp sáng tạo, tiếp tục tạo thuận lợi để thu hút các nguồn lực phát triển, khai thác tối đa những ưu thế và điều kiện vượt trội từ các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã có.
Thứ tư, phải tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa công tác phát triển thị trường theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa và đẩy nhanh hơn nữa việc tham gia vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn đầu. Từ đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, tổ chức lại các ngành, các mô hình sản xuất để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trong hội nhập khu vực và thế giới.
Thứ năm, sớm tổ chức triển khai, đưa vào thực tiễn các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng đã được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết của Đảng như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng bền vững hay Nghị quyết 23 về chính sách công quốc gia. Đây là yếu tố rất quan trọng trong xây dựng và phát triển hạ tầng năng lượng thiết yếu của nền kinh tế trong thời gian tới.
Thứ sáu, phối hợp với các bộ ngành tổ chức thực hiện gắn với việc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động trong các chiến lược, để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện hoặc thay đổi để đảm bảo hiệu quả cao hơn.
Cuối cùng, ngành công thương, Bộ Công Thương phải quyết liệt, tập trung đổi mới các phương thức làm việc cũng như hoạt động, kể cả trong các nội dung của quản lý nhà nước đến cách thức tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành.
Việt Nam ký kết và thực thi ba hiệp định thương mại trong năm 2020, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do với liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do với Vương quốc Anh (UKVFTA). Chúng ta trở thành một trong những quán quân trong việc tổ chức ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do với tất cả đối tác thương mại lớn.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng Việt Nam phải xác định cho rõ hội nhập và các hiệp định thương mại tự do chỉ là một công cụ, điều kiện để thực thi theo hướng bền vững. Để khai thác được, Việt Nam phải dựa trên những nền tảng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp.
Vì vậy, cả ngành nông nghiệp, công nghiệp lẫn các ngành nghề khác phải sớm tái cơ cấu lại nhằm đảm bảo quy mô sản xuất, năng lực, đặc biệt là năng lực dựa trên công nghệ, trên năng suất lao động và dựa trên trình độ lao động công nghệ cao. Thậm chí, trong một số ngành đặc thù như ngành nông nghiệp thì những điều kiện cụ thể để phục vụ cho nâng cao năng suất lao động và trình độ công nghệ lại phụ thuộc chính vào vấn đề tích tụ hạn điền cũng như trình độ của người nông dân.