Lao động trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2020 có 160 triệu trẻ em tham gia lao động và 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cảnh báo số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng lên thêm 8,9 triệu (168,9 triệu) vào năm 2022. Covid-19 sẽ làm tăng nguy cơ lao động trẻ em, bao gồm suy giảm kinh tế, tác động của tình trạng thiếu việc làm và mất việc làm đối với các hộ gia đình, rào cản đối với giáo dục, mất an ninh lương thực, gia tăng tỷ lệ tử vong và chi phí y tế cao.
Theo các chuyên gia, việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp; cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em, làm mất đi các quyền của trẻ và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị các bộ ngành, đoàn thể, địa phương, tổ chức quốc tế chủ động triển khai xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp với thực tiễn để làm tốt hơn công tác phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em theo trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68, số 126; lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trong việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025), các kế hoạch, đề án của bộ, ngành, địa phương.
Kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 cho thấy, lao động trẻ em ở Việt Nam từ 5-17 tuổi là 1.031.944 em, chiếm 5,4% tổng dân số trẻ em từ 5-17 tuổi, thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu năm 2016 tương ứng là 9,6% và 10,6%.
Công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã được bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế quan tâm phối hợp, hỗ trợ và thu được kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến lao đông trẻ em ngày càng hoàn thiện; công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ ngành, đoàn thể. Huy động được sự tham gia của các tổ chức liên quan, doanh nghiệp và toàn xã hội; triển khai quy trình hỗ trợ can thiệp lao động trẻ em trên toàn quốc; năng lực triển khai công tác phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em của các cấp, ngành được nâng cao; công tác thanh tra, kiểm tra giám sát về lao động trẻ em được quan tâm thực hiện; Việt Nam đã tăng cường hội nhập quốc tế trong công tác phòng ngừa lao động trẻ em và trở thành một trong 15 quốc gia tiên phong tham gia liên minh 8.7 (Liên minh toàn cầu nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và lao động trẻ em).
Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình được xây dựng dựa trên những thành công và bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO và UNICEF.
Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, chương trình có ba mục tiêu cốt lõi: ngăn ngừa, phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật và hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; nâng cao năng lực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Những nỗ lực này là minh chứng cho các cam kết của Việt Nam với tư cách là quốc gia tiên phong của Liên minh toàn cầu 8.7 - quan hệ đối tác nhiều bên nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Việt Nam đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm xóa bỏ lao động trẻ em, theo yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc thực hiện chương trình quốc gia phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em sẽ đảm bảo rằng cam kết này được áp dụng trên thực tế, tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu; điều này rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước sau Covid-19.