Việt Nam dự kiến phát triển 5.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030

HT| 16/12/2021 08:22

Nhiều địa phương trong cả nước đang đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi với tổng công suất lên tới 110.000MW, nhưng Bộ Công Thương đề xuất chỉ bổ sung 5.000MW.

Việt Nam dự kiến phát triển 5.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030

Việt Nam được đánh giá nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi, vận tốc gió ở độ cao 100m đạt khoảng 9-10m trên giây. Với cam kết đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại hội nghị COP26, sắp tới sẽ có lộ trình chi tiết cho các ngành, trong đó năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo quy hoạch điện VIII và dự kiến phát triển 5.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và sẽ nâng lên khoảng 40.000MW vào năm 2045. So với kịch bản tính toán đưa ra hồi đầu tháng 11 là 4.000MW đến năm 2030, thì ở lần cập nhật này công suất điện gió ngoài khơi đã tăng 1.000MW. Công suất điện gió ngoài khơi trong quy hoạch VIII sau năm 2030 có thể phát triển hơn nữa nếu "điều kiện kinh tế, kỹ thuật cho phép".

Lý giải về việc chỉ phát triển 5.000MW trong giai đoạn đầu, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, thị trường điện gió hiện vẫn còn mới mẻ, bị ràng buộc bởi lưới truyền tải nên Việt Nam chưa làm chủ và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.

Link bài viết

Đến năm 2030, Việt Nam chỉ tham gia vào lượng công suất nhất định để có thời gian tăng cường lưới điện truyền tải, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp cho điện gió ngoài khơi, mặc dù đây là nguồn tốt để thay thế dần nhiên liệu hóa thạch nhưng phải có lộ trình.

Trong 5.000MW điện gió ngoài khơi mà Việt Nam sẽ phát triển đến năm 2030, miền Bắc sẽ phát triển 2.000MW, miền Nam là 3.000MW. Đến năm 2045, với công suất tăng trên 40.000MW thì điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 12% trong cơ cấu nguồn.

Về tiêu chí chọn dự án khi số lượng đăng ký hiện rất lớn, tới 110.000MW nhưng kịch bản tới năm 2030 trong quy hoạch VIII chỉ phát triển 5.000MW, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo sẽ dựa vào mô hình tính toán cực tiểu, chi phí và kèm theo các ràng buộc như về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam với giảm phát thải.

Theo đó, tại mỗi vùng miền sẽ đưa ra cơ cấu nguồn điện trong từng giai đoạn, là định hướng cho phát triển. Quy mô có thể sẽ nhỏ hơn so với nhu cầu của một khu vực, nhưng đó là kết quả mô hình tính toán tối ưu mà quy hoạch đưa ra làm cơ sở lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam dự kiến phát triển 5.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO