Việt Nam đề xuất các ưu tiên hợp tác giữa bốn nước CLMV

23/06/2015 06:09

Chiều 22/6, tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 7.

Việt Nam đề xuất các ưu tiên hợp tác giữa bốn nước CLMV

Chiều 22/6, tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 7 (Hội nghị Cấp cao CLMV 7) với sự tham dự của lãnh đạo bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và có những đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua, Hợp tác CLMV đã đạt kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực như kinh tế - thương mại, du lịch, hải quan, kết nối giao thông và các hành lang kinh tế, góp phần quan trọng hỗ trợ các nước thành viên hội nhập kinh tế quốc tế và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Đồng thời, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế CLMV, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất một số ưu tiên hợp tác giữa bốn nước trong thời gian tới.

Thứ nhất là tăng cường kết nối về chính sách và hạ tầng cơ sở.

Cụ thể là sớm chuyển đổi các hành lang giao thông thành hàng lang kinh tế thông qua các chính sách tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại xuyên biên giới; thực hiện nghiêm túc Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua biên giới giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS CBTA) và các thỏa thuận song phương và đa phương liên quan; đẩy nhanh thực hiện cơ chế một cửa và quá cảnh hải quan ASEAN; hoàn thiện và nhân rộng mô hình kiểm tra "một cửa một lần dừng" tại các cặp cửa khẩu quốc tế trong tiểu vùng Mekong.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, cam kết song phương và đa phương về tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

Nghiên cứu xây dựng kết nối trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, tài chính. Phối hợp vận động đầu tư cho các công trình kết nối hạ tầng cứng.

Thứ hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa và hội nhập các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực hiện có; chủ động tăng cường các chương trình liên kết đào tạo với các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển; thúc đẩy hợp tác về di chuyển thể nhân, bảo đảm nguồn cung nhân lực cho doanh nghiệp và các khu công nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động.

Thứ ba là cần làm tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của các nước CLMV, những cơ hội kinh doanh mới từ các chương trình cải cách đang được thực hiện.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị và nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 8 tại Việt Nam vào năm 2016.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, các bên sẽ đặt trọng tâm vào việc thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường liên kết kinh tế giữa các nước CLMV. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực để thực hiện thành công trọng trách này.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo kế hoạch của Việt Nam phối hợp Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức một diễn đàn đối thoại kinh doanh cao cấp về tiểu vùng Mekong bên lề Hội nghị Cấp cao CLMV 8.

>Hội nghị quốc tế về sông Mekong

>Hội nghi Cấp cao Mekong-Nhật Bản: Vì một Mekong xanh

>WEF về Đông Á: Công nghệ xanh là bắt buộc

>Thủ tướng phát biểu khai mạc ở WEF Đông Á 2013

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam đề xuất các ưu tiên hợp tác giữa bốn nước CLMV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO