Theo kế hoạch Bộ Y tế đặt ra, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 được triển khai từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022 với mục tiêu ít nhất 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm trong năm 2021 và hết tháng 1/2022 sẽ phủ trên 70%.
Như vậy, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 của Việt Nam đã về đích sớm hơn dự kiến. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine của Việt Nam/dân số xếp thứ tư trong khu vực (sau Singapore và Campuchia, Brunei). Nếu tính cả số trẻ em từ 12-18 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 thì tỷ lệ dân số được tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 ở Việt Nam đã đạt trên 60%.
Bộ Y tế cho biết, mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 40% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine Covid-19 đến cuối năm 2021 và 70% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine đến giữa năm 2022. Như vậy, với hơn 60% dân số được tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19, Việt Nam đã vượt 20% so với mục tiêu của WHO trong năm 2021.
Về kế hoạch tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại (mũi 3), theo nguyên lý sử dụng vaccine trong tiêm chủng thì mũi tiêm nhắc lại là rất quan trọng, giúp cho việc tăng cường tính miễn dịch của mỗi người sau khi đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản. Điều này giúp cơ thể củng cố khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 và những biến thể sau này.
Những người cao tuổi, người có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp...) không chống chỉ định với vaccine Covid-19 thuộc đối tượng phải được tiêm vaccine Covid-19 sớm nhất. Vì đây là những đối tượng nếu mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ cao bị bệnh nặng và tử vong.
Những người này được chỉ định tiêm ở các cơ sở y tế, có khả năng xử lý phản ứng nặng sau tiêm (nếu có). Các bác sĩ sẽ khám sàng lọc kỹ hơn, hướng dẫn theo dõi, trước và sau tiêm cẩn thận hơn. Vaccine Covid-19 đã được khuyến cáo là an toàn với hầu hết mọi người. Chỉ những người nhiễm trùng cấp tính thì sẽ hoãn tiêm, đợi đến khi điều trị khỏi bệnh mới tiêm.