Các tính toán kỹ thuật cho thấy, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi khoảng 160GW. Trong phương án tính toán mới nhất cập nhật tháng 11 của dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nâng công suất nguồn đặt điện gió ngoài khơi (offshore) lên 4GW vào năm 2030, tăng 1GW so với các phương án công bố trước đó.
Công suất nguồn đặt điện gió ngoài khơi sẽ tăng lên 10GW vào năm 2035, lên 23GW vào năm 2040 và đạt 36GW vào năm 2045. Với mức công suất này, tỷ trọng điện gió ngoài khơi trong hệ thống điện khoảng 2,6% vào năm 2030 và tăng lên gấp hơn 4 lần (10,8%) vào năm 2045.
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới phát triển loại năng lượng này cho thấy, điện gió ngoài khơi giúp giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Với Việt Nam, nhờ nguồn gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi có thể đạt công suất lớn hơn 50%, tương đương hệ số công suất của thuỷ điện. Loại hình năng lượng này còn có khả năng chạy phụ tải nền, có tính đoán định cao hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi sạch khác, đồng thời hỗ trợ an ninh năng lượng.
GWEC cho rằng, với 4-5 GW điện gió ngoài khơi phát triển đến năm 2030, Việt Nam sẽ tiết kiệm khoảng 800 triệu USD nhập khẩu than mỗi năm và giúp tạo ra 40.000 việc làm tại địa phương. Việt Nam cần xác định điện gió ngoài khơi là nguồn điện chủ đạo trong phát triển năng lượng tái tạo tới năm 2030.
Không phải điện gió trên bờ hay điện mặt trời, mà là điện gió ngoài khơi với hệ suất gấp 3-4 lần điện mặt trời, sẽ là nguồn điện có thể thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, giúp đảm bảo mục tiêu đủ điện, an ninh năng lượng và giảm phát thải khí carbon theo cam kết của Chính phủ tại COP 26.