Năm 2020, đại dịch gây tổn thất khoảng 144 triệu việc làm sẵn có, tạo ra dư chấn mạnh trên thị trường lao động cho đến hiện tại. Theo báo cáo của ILO, ước tính con số đó sẽ giảm còn 75 triệu trong năm nay và 23 triệu vào năm 2022. Tuy nhiên tổ chức này cũng dự đoán, vẫn có hơn 200 triệu người thất nghiệp trong thời gian tới.
Riêng Châu Á, nơi có tỷ lệ người lao động tham gia vào thị trường việc làm cao nhất thế giới sẽ khó phục hồi cơ cấu việc làm hơn các châu lục khác. Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực được dự báo là 5 % vào năm 2021, giảm 0,2% so với năm 2020. Năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của Châu Á sẽ giảm còn 4,7%, song vẫn cao hơn mức trước đại dịch (năm 2019 là 4,4%).
Nam Á sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm nay, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 6,1% từ mức 6,8% vào năm 2020 - mức mất mát lớn nhất ở châu Á.
Mặc dù mọi thứ đang được cải thiện theo hướng tích cực, cuối năm 2021 ước tính sẽ có khoảng 100 triệu việc làm. Song những hệ quả của thời gian ngưng trệ sẽ khó khắc phục, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, kỹ năng của người lao động giảm sút và nguy cơ tái dịch luôn có. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin không đồng đều và các đợt bùng phát dịch Covid-19 ở một số quốc gia có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế.
Sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ thúc đẩy việc làm ở châu Á vào năm 2021, vì lĩnh vực này chiếm 30% tỷ lệ mất việc làm trong năm 2020. ILO tiếp tục cảnh báo về những thiệt hại trong việc làm của phụ nữ, do phụ nữ là đối tượng chủ yếu trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nè nhất bởi dịch Covid-19.
Triển vọng việc làm thậm chí còn tệ hơn đối với những người trẻ vừa tham gia vào thị trường lao động hầu như là không có. Các việc làm mới xuất hiện, đòi hỏi kinh nghiệm sẵn có hoặc phải trải qua quá trình đào tạo. Người trẻ khó đáp ứng dẫn đến nguy cơ thất nghiệp trong cơ cấu lao động tăng cao.
“Nếu không có nỗ lực cụ thể và giải pháp rõ ràng để tạo thêm công việc hỗ trợ các thành viên dễ tổn thương của xã hội như người trẻ và phụ nữ thì những hậu quả của đại dịch sẽ còn mãi, làm mất tiềm năng kinh tế, con người, gây bất bình đẳng và nghèo đói kéo dài” - Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO nói.
Việc phục hồi việc làm ở Đông Nam Á cũng đang bị ảnh hưởng một phần bởi người lao động từ các nước buộc phải hồi hương. Theo ILO, hơn 600.000 người đã được hồi hương từ Ấn Độ và 230.000 người đã quay trở lại Philippine.
Ở châu Á, tỷ lệ đói nghèo đã tăng 3,9%, tức 65 triệu lao động. Số lượng công nhân sống trong cảnh nghèo đói, hoặc dưới 3,20 USD/người mỗi ngày, đã tăng 108 triệu vào năm ngoái. Sau khủng hoảng, việc cấu hình lại chuỗi cung ứng mang lại cơ hội và rủi ro cho việc làm trong khu vực, khi các chính phủ tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng và đa dạng hóa các nhà cung cấp.
Với Châu Á, ILO kêu gọi các quốc gia trong khu vực xem đại dịch Covid-19 và khủng hoảng việc làm như “một hồi chuông cảnh tỉnh” để đa dạng hóa nền kinh tế, tránh việc tăng trưởng chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu.
(Theo Nikkei Asia)