VASEP gửi báo cáo đến Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn số 78/CV-VASEP tới Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp thủy sản trong kinh doanh.
Nội dung đầu tiên được đề cập trong công văn là việc áp trần chi phí lãi vay. Theo VASEP, việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp (DN) vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của DN trong các năm đầu khi mới đầu tư.
Do vậy, VASEP kiến nghị sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và DN vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp DN không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kế đến là sửa đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại diểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán… để các doanh nghiệp sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DN chế biến thủy sản, VASEP cho biết, sau nhiều năm vướng mắc liên quan việc áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao tới 20% tại Cục thuế nhiều địa phương do Cục thuế xác định sản phẩm thủy sản là từ “hoạt động sơ chế”.
Sau kiến nghị của VASEP và tham vấn ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì ngày 12/3/2021 Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 2550/BTC-TCT v/v chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VASEP, đã xác định rõ “là hoạt động chế biến thủy sản” làm căn cứ để các Cục thuế xác định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc này cần được Chính phủ, Bộ Tài chính đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất.
Vì vậy, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sớm đưa vào văn bản quy phạm pháp luật việc xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản là “hoạt động chế biến” để thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo tinh thần văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 và văn bản số 9494/BTC-VP ngày 6/9/2023 của Bộ Tài chính.
Về quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu, VASEP cho biết hiện chưa có quy định hay hướng dẫn về “chuyển mục đích sử dụng” như kể trên tại các Thông tư về kiểm dịch thủy sản nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để người dân và DN chuyển đổi mục đích sử dụng cho hàng nhập khẩu đang tạo ra một khoảng trống trong quy định đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.
Liên quan đến thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá, VASEP cho rằng, hiện nay, việc cấp S/C tại các cảng cá sau khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về nhà máy ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng hoặc nhiều lô đến 2-3 tháng – ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Trước đó, hiện trạng bất cập này đã được VASEP báo cáo, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 9/1/2024. Do đó, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận giấy Xác nhận nguyên liệu (S/C) tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay.
Cụ thể, cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU.