Vận tải taxi vẫn chưa thoát khó

Minh Hào| 12/05/2022 06:00

Lái xe nghỉ việc, chuyển nghề, chi phí hoạt động tăng cao khiến các hãng taxi lao đao dù dịch Covid-19 đã được khống chế. Do đó, doanh nghiệp (DN) taxi rất cần chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Chưa qua được khó khăn

Số liệu khảo sát của Hiệp hội Vận tải ô tô với 87 DN vận tải hành khách, hàng hóa và bến xe cho thấy, sau hơn hai năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, vận tải bị đứt gãy, doanh thu ngành vận tải sụt giảm tới 80% so với trước. 

Riêng với dịch vụ vận tải taxi, từ đầu năm đến nay, tất cả các hãng đã hoạt động 100% công suất nhưng lại đối diện với tình trạng lái xe nghỉ việc, chuyển việc hàng loạt, đỉnh điểm là những ngày gần đây, khi số xe dừng hoạt động đã lên tới 40-50%, nhiều nhất là tại Hà Nội. Số liệu từ Hiệp hội Taxi Hà Nội cho thấy, hiện có hơn 7.000 taxi, tương đương gần 50% số taxi ở thủ đô dừng hoạt động. 

Tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh có 1.300 xe nhưng hiện có khoảng 500 xe không có tài xế. Việc thiếu lái xe khiến Mai Linh chỉ phục vụ được 60-70% nhu cầu đặt xe của khách.

Trong khi đó, trong năm 2021, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đã cắt giảm hơn 2.500 nhân viên, trong đó có khoảng 1.800 tài xế nghỉ việc. Đây là năm thứ ba liên tiếp DN này giảm nhân sự. Năm 2019, số nhân viên nghỉ việc ở Vinasun xấp xỉ 1.000 người, năm 2020 là 1.400 người. Năm 2021, doanh thu của Vinasun chỉ đạt 484 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với năm 2020. Dù công ty siết chặt chi phí, giảm vay ngân hàng, nhưng lỗ sau thuế vẫn lên đến 280 tỷ đồng, gấp 4 lần mức lỗ dự báo là 79 tỷ đồng. 

Taxi-5632-1652239335.jpg

Bà Đặng Thị Lan Phương - Tổng giám đốc Vinasun cho biết, năm 2021, do bị tác động của đại dịch, nhóm ngành du lịch giảm 60% và vận tải hành khách giảm 44,8%. Đại dịch Covid-19 đã khiến vận tải taxi hai năm qua lao đao. Nhiều lái xe phải nghỉ việc, không có thu nhập buộc phải chuyển nghề. Khi taxi hoạt động lại bình thường thì xăng dầu lại tăng giá kỷ lục, khiến thu nhập của lái xe vừa thấp vừa không ổn định. Trước tình hình này, Vinasun triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp tài xế từ 1-3% (tùy loại xe) trên tổng doanh thu để bù vào giá xăng, tăng mức chia phần vượt định mức lên 90% mới thu hút được gần 500 lái xe đã nghỉ việc quay trở lại kinh doanh. 

Tình hình khó khăn của dịch vụ vận tải, trong đó có vận tải taxi cũng được lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM xác nhận tại phiên họp thường kỳ về kinh tế - xã hội cuối tháng 4 vừa qua. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2022, khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 40 triệu lượt hành khách, giảm 77,8% so với cùng kỳ và chỉ đạt 10% so với kế hoạch năm 2022 (kế hoạch năm 2022 là 402 triệu lượt hành khách).

Cần chính sách hỗ trợ

Tình hình khó khăn của DN vận tải taxi đã diễn ra nhiều năm qua. Cả nước có khoảng 1.000 DN taxi nhưng số lượng xe giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2019, cả nước có hơn 79.000 xe, đến năm 2020 giảm còn 75.000 xe, năm 2021 tiếp tục giảm còn 68.000 xe, mấy tháng đầu năm 2022 còn 67.000. Riêng tại Hà Nội, năm 2019 có khoảng 19.000 taxi hoạt động và đã giảm đến 6.000 xe trong năm 2020 (còn 13.000 xe). Năm 2021, số lượng taxi tại đây tiếp tục giảm còn 11.000 xe và bước sang quý II/2022 chỉ còn khoảng 10.000 xe hoạt động. 

Ông Đặng Phước Thành - Chủ tịch HĐQT Vinasun cho rằng, năm 2022, tình hình kinh doanh sẽ còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Vinasun tập trung duy trì sự ổn định và tái cấu trúc toàn diện công ty, thực hiện tốt quản trị rủi ro và phấn đấu doanh thu tăng khoảng 30% so với năm 2021 (vẫn giảm 20% so với năm 2020).

Theo các DN taxi, dù Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ nhưng DN vận tải chỉ mới tiếp cận được chính sách giảm phí bảo trì đường bộ. Các chính sách hỗ trợ có tác động lớn đến DN như vốn, giảm thuế, phí, lãi vay ngân hàng vẫn chưa đến được với DN. Vì vậy, DN taxi kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét mở rộng chính sách hỗ trợ, kéo dài thời hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội năm 2021. Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần kéo dài thời gian trả nợ cho DN taxi.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì giảm 30% để kích cầu cho DN vận tải. Liên bộ Công Thương - Tài chính cần vào cuộc tích cực mới mong phục hồi được sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, các bộ, ngành cũng phải tạo điều kiện tối đa cho DN khôi phục kinh doanh vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vận tải taxi vẫn chưa thoát khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO