![]() |
Là một trong những thành viên kỳ cựu của Ban tổ chức Hội Sách, mười năm vừa qua, trong vai trò là đơn vị đứng mũi chịu sào, ông Phạm Minh Thuận có cái nhìn rất đặc biệt về chương trình này.
- Ông còn nhớ về Hội Sách TP.HCM đầu tiên?
![]() |
- Đây là ý tưởng của anh Lê Hoàng trong thời kỳ anh ấy còn làm Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ. Năm 2000, nhận thấy vị trí của sách trong đời sống vẫn còn bị xem nhẹ nên anh đã đề nghị bốn đơn vị là Fahasa, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng Hợp, Nhà xuất bản Văn Nghệ cùng tham gia, tổ chức Hội Sách.
Ban tổ chức đã phải đối đầu với rất nhiều thử thách, từ việc chọn địa điểm, huy động các đơn vị khác tham gia cho đến vận động nhân lực, kinh phí... Lúc ấy, ai cũng háo hức nhưng không tránh khỏi nỗi lo về kinh phí. Fahasa đành gồng mình đứng ra chịu trách nhiệm. Hội Sách mà lỗ, Fahasa phải bù lỗ bằng kinh phí thông nghiệp vụ của mình. Vì muốn bạn đọc tham gia nhiều, Ban tổ chức quyết định không bán vé vào cổng, thế là mất một khoản thu đáng kể nhưng tất cả là vì bạn đọc!
* Lúc ấy, thông điệp mà Hội Sách muốn chuyển tải đến độc giả là gì?
- Ngày đó, đất nước mới bắt đầu phát triển. Các đơn vị làm sách thì tản mát, người đọc sách cũng thờ ơ. Mục đích của chúng tôi là khơi thông, cổ vũ cho văn hóa đọc bởi lịch sử ngàn đời trước đã chứng minh, người Việt chúng ta rất mê đọc sách.
* Bây giờ, thông điệp ấy vẫn giữ nguyên?
- Giai đoạn này đã khác trước. Văn hóa đọc đã được khơi thông. Sách đã bắt đầu tìm được chỗ đứng trong đời sống. Tuy nhiên, trong thời điểm khủng hoảng kinh tế vừa qua, việc mua sách cũng phần nào có hạn chế. Chúng tôi muốn bạn đọc biết, sách không đơn thuần là công cụ giải trí mà còn là phương tiện trang bị kỹ năng, kiến thức... Kinh tế càng khó khăn thì càng phải ưu tiên cho sách.
* Bước sang tuổi thứ sáu, công việc tổ chức Hội Sách có còn là điều khó khăn?
- Tuy đã chỉnh chu hơn trong quá trình tổ chức, bạn đọc khắp nơi đổ về TP.HCM để tham gia hội sách..., nhưng thú thật là Ban tổ chức vẫn phải đối mặt với vấn đề mặt bằng. Dời từ Hội trường Thành phố sang công viên Lê Văn Tám, diện tích có rộng hơn nhưng chúng tôi lại lo về sự bất ổn thời tiết. Chưa kể khi công viên này sẽ được đào lên để xây công trình ngầm, không biết Hội Sách lần VII sẽ phải tổ chức ở đâu.
* Sau mỗi Hội Sách, các doanh nghiệp tham gia được gì?
- Họ được giao tiếp với khách hàng, lắng nghe khách hàng. Một ví dụ rõ nhất là ở những lần Hội Sách đầu tiên, sách thiếu nhi, sách cho tuổi mới lớn là không hề có. Thế nhưng, sau khi nắm được nhu cầu, các đơn vị làm sách đã biết đầu tư cho mảng đề tài này nhiều hơn. Cứ theo dõi các đầu sách xuất hiện trong Hội Sách lần này là thấy điều đó rất rõ. Tôi tin, sau mỗi lần tham gia Hội Sách, các đơn vị trong nghề sẽ trưởng thành hơn.