Vai trò của "một sức khỏe" trong đại dịch

Phan Nhung| 22/08/2021 09:03

Theo TS, BS. Phạm Đức Phúc - Điều phối Quốc gia của Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam, 75% tác nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm đến từ dộng vật hoang dã. Do đó, nếu con người bảo vệ hệ sinh thái thì sẽ ngăn chặn được các tác nhân này.

Vai trò của

Sức khoẻ của động vật, thiên nhiên có mối liên hệ mật thiết đến sức khoẻ con người. Ảnh: Voọc Chà Vá/ Lê Văn Dũng

Với mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối quan hệ giữa Covid-19 và việc bảo vệ thiên nhiên, thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia đã phối hợp với Mạng lưới Một Sức Khoẻ các trường Đại học tại Việt Nam (VOHUN) tổ chức toạ đàm trực tuyến Một Sức Khoẻ trong đại dịch

Thiên nhiên đã trỗi dậy

Theo thống kê, tại Mỹ hay các nước phát triển thì mức độ tiêu thụ điện đã giảm đi rất nhiều, mức độ không khí ô nhiễm cũng giảm từ 20-30% so với trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Cùng với đó, máy bay, xe hơi và nhiều phương tiện khác tạm ngưng vận chuyển, một số quốc gia còn xuất hiện những động vật hoang dã vào tận khu sống của những người dân.

"Đây chính là tin vui dành cho hệ sinh thái của chúng ta" - bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên mở đầu buổi tọa đàm.

Không chỉ có con người mong muốn được khỏe mạnh hơn trong đại dịch, thiên nhiên cũng đang kêu cứu. Đại dịch Covid-19 đã vạch trần tác động mạnh mẽ của con người đến thiên nhiên, thông qua việc phục hồi chất lượng không khí ở các thành phố lớn, sự phát triển mạnh mẽ hơn của một số quần thể sinh vật tại các khu du lịch vắng người.

Tuy nhiên, Covid-19 lại tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với môi trường, do việc thải ra hơn 1,6 triệu tấn rác nhựa mỗi ngày trên khắp thế giới. Hiện thế giới đang dùng khoảng 1 triệu túi nilon mỗi phút và thải ra ngoài môi trường ngay sau đó.

Đồng thời do tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế, nguy cơ săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã và khai thác thiên nhiên ngày càng gia tăng.

shutterstock-621294821-9772-1629551459.j

Mỗi ngày, con người thải 1,6 triệu tấn rác thải ra môi trường. Ảnh minh họa: Internet

Thế nhưng, Covid-19 không phải là mối nguy duy nhất mà con người đang đối mặt. Con người đang phải đối mặt với mối nguy lớn hơn Covid-19 rất nhiều, đó là: biến đổi khí hậu và thời kỳ Đại tuyệt chủng lần thứ 6. Tháng 7/2021 vừa qua, Trái Đất đã xác nhận 2 kỷ lục tồi tệ nhất trong lịch sử 142 năm qua là: Kỷ lục tháng 7 nóng nhất so với tất cả các tháng 7 từ trước đến nay, đồng thời đây cũng là tháng nóng nhất trong năm 2021.

Hơn 14.000 nhà khoa học khắp nơi trên thế giới cũng đã cảnh báo về việc “các dấu hiệu sống” của Trái Đất như: gia tăng dân số, diện tích rừng, tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính... đang diễn biến xấu đi nhanh chóng vì con người.

"Tại Việt Nam, các loài động vật hoang dã quý hiếm cũng đang dần biến mất, rừng bị thu hẹp và có thể có tới gần 40% diện tích đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị chìm trong nước biển và năm 2100 do hiệu ứng nhà kính" - bà Huyền dẫn chứng.

“Các nghiên cứu cho thấy hơn 60% các bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19, có liên quan đến các loài động vật khác nhau. Nghiên cứu các đại dịch trong quá khứ cho thấy, thời xưa, thường phải vài chục năm hoặc cả trăm năm mới có một đại dịch. Tuy nhiên, từ những năm 60 trở lại đây, chúng ta đã và đang trải qua 9 đại dịch tồi tệ, trong đó có Covid-19. Điều này có nghĩa là đại dịch tiếp theo sẽ sớm xảy ra trong tương lai gần.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh truyền nhiễm có liên quan đến động vật ngày càng tăng, trong đó phải kể đến biến đổi khí hậu, nạn tàn phá rừng, săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, việc gia tăng lưu thông, vận chuyển và gia tăng dân số.

Để đẩy lùi thời gian diễn ra đại dịch tiếp theo, chúng ta cần ngừng ngay việc săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, ngừng hoặc giảm thiểu tối đa các hoạt động gây ô nhiễm môi trường hay phá rừng”- PGS, TS. Lê Thanh Hiền - Khoa Chăn nuôi Thú Y -  Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM chia sẻ. 

Vai trò của “một sức khỏe” trong đại dịch

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, "một sức khỏe” là cách tiếp cận công nhận rằng: Sức khỏe của con người có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe của động vật và thiên nhiên.

Dân số gia tăng ngày càng nhanh, vấn nạn phá rừng, săn bắt, nuôi nhốt, mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, các hoạt động tàn phá thiên nhiên đã, đang tiếp diễn khiến con người gia tăng nguy cơ tiếp xúc với các mầm bệnh có trong các loài động vật hoang dã.

Trên tổng số 1.407 mầm bệnh lây nhiễm ở người, có đến khoảng 58% có nguồn gốc từ động vật, trong đó một phần tư có khả năng biến thành dịch và đại dịch, như các virus Influenza, Ebola hay các loài virus corona.

“Một sức khỏe” là phương thức tiếp cận giúp con người hướng tới xây dựng nền tảng sức khoẻ bền vững đã được các tổ chức Y tế và khoa học hàng đầu thế giới công nhận, trong đó bao gồm: Tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO), Tổ chức Động vật Quốc tế (OIE) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)...

Con người hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề: dân số thay đổi, tốc độ đô thị hóa mở rộng, quá trình phát triển kinh tế, toàn cầu hóa... Cùng với đó, con người ngày càng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống ngày càng nhiều. Tất cả những điều này tác động đến việc thay đổi môi trường một cách tiêu cực. 

Dân số không ngừng tăng lên, người dân sẽ dịch chuyển ra đô thị ngày càng nhiều hơn, dẫn tới ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm không khí và hiệu ứng nhà kính ngày một tăng cao hơn... Chuỗi hiệu ứng này gần như dây chuyền và không thể kìm hãm được.

"Do đó, trồng rừng là điều mà hiện nay con người cần phải lên kế hoạch và thực hiện cấp tốc vì đó là nguồn “xanh” duy trì môi trường sống trong lành, lưu giữ động vật hoang dã và tránh được những tác nhân gây bệnh từ động vật hoang dã sang người" - bà Huyền chia sẻ.

Khuyến cáo này của không chỉ của bà Huyền mà còn được rất nhiều nhà khoa học, người nổi tiếng và các tổ chức uy tín trên thế giới ủng hộ.

Gaia-OneHealth-10-a-4602-1629633791.jpg

Trồng rừng là một trong những cách xây dựng "Một Sức Khoẻ". Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập, Giám đốc trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia (đeo kính). Ảnh: Nguyễn Á

TS, BS. Phạm Đức Phúc - Điều phối Quốc gia của Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam (VOHUN) khẳng định: “Phá rừng làm di chuyển các loài động vật hoang dã, khiến chúng gần gũi hơn với nhau và với con người. Điều này dẫn đến hệ quả làm tăng khả năng tiếp xúc của con người với các bệnh truyền nhiễm mới và khiến con người phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm với các đại dịch chết người, trong đó có Covid-19. Buôn bán động vật hoang dã, khai thác gỗ và phá rừng, cũng làm tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh.

Việc cải thiện sức khỏe con người được thực hiện hiệu quả và bền vững nhất, thông qua cách tiếp cận “Một sức khỏe” trong đó không chỉ chú trọng về sức khỏe con người mà còn chú trọng thúc đẩy sức khỏe của các loài động thực vật và sức khỏe môi trường.”

Buổi toạ đàm Một Sức Khoẻ trong đại dịch là sự kiện tiếp nối chuỗi các hoạt động thuộc khuôn khổ chiến dịch Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo do Gaia khởi xướng từ tháng 6/2021.

Chiến dịch này bước đầu đã nhận được sự tham gia đồng hành của hàng trăm cá nhân và DN, trong đó có các hoạt động thiết thực như trồng 2000 cây gỗ lớn tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai vào đầu tháng 8 và đang tiếp tục trồng gần 10.000 cây gỗ lớn tại Vườn Quốc gia Bến En và Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hoá).

Chiến dịch còn bao gồm nhiều buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến và chuỗi bài cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa đại dịch và trồng rừng phục hồi thiên nhiên, với sự hưởng ứng thông qua hàng trăm ngàn lượt theo dõi trên mạng xã hội mỗi tuần.

"Chỉ khi chúng ta ý thức rõ được mối liên hệ giữa sức khỏe con người và sức khỏe thiên nhiên, chúng ta mới thực sự hành động hiệu quả để góp phần bảo vệ thiên nhiên và do vậy bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta. Tôi kêu gọi mỗi người hãy thực hiện ngay những hành động cụ thể để cùng nhau hướng tới Một sức khỏe chung cho con người, cho muôn loài và cho Trái Đất. Chỉ có như vậy, chúng ta mới mong đẩy lùi đại dịch tiếp theo", bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vai trò của "một sức khỏe" trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO