Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Quân đội (MBS) phân tích, tỷ giá VND/USD biến động khá mạnh trong năm 2018. Sau khi tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá tăng mạnh trong các tháng Sáu và tháng Bảy trước khi hạ nhiệt trở lại vào 3 tháng cuối năm. Tổng kết năm 2018, tỷ giá VND/USD tăng 2,6%. Mặc dù không được ổn định như năm 2017 song diễn biến tỷ giá VND/USD trong năm 2018 là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam khi các quốc gia trong khu vực phải hạ giá mạnh đồng nội tệ trước áp lực tăng của đồng USD.
"Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng chính sách điều hành linh hoạt thông qua tỷ giá trung tâm và bắt đầu can thiệp vào thị trường bằng việc bán ra USD để ổn định tâm lý thị trường," chuyên gia của MBS nhấn mạnh.
Cũng theo MBS, áp lực lên tỷ giá VND/USD trong thời gian tới có khả năng tăng lên khi USD có xu hướng tăng trên thị trường toàn cầu (USD index tăng từ mức 91,67 điểm lên mức 97 điểm) tuy nhiên cũng không quá mạnh. Quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Fed tiếp tục diễn ra theo lộ trình tiếp tục hỗ trợ đà tăng của USD song không đáng quan ngại do thông tin trên đã được thị trường phản ánh khá nhiều. Tỷ giá VND/USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại đang đứng ở mức 23.250 đồng (ngày 4/1/2019).
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối được củng cố và duy trì ở mức khá (63,5 tỷ USD), khi Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời mua vào 11 tỷ USD trong năm 2018 tạo điều kiện giữ ổn định tỷ giá. Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đủ điều kiện chủ động trong việc điều hành tỷ giá linh hoạt trong biên độ an toàn nhờ nguồn cung USD dồi dào và cân đối vĩ mô ổn định.
Ngân hàng Nhà nước vẫn quy định mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Trong khi đó, lãi suất huy động VND vẫn được giữ ổn định kể từ đầu năm. Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND ở mức khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì ở hợp lý khiến người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều dư địa để duy trì mức tỷ giá VND/USD hợp lý.
"USD nhiều khả năng đã tạo đỉnh và sẽ đi xuống nhẹ trong năm 2019 khi nền kinh tế Mỹ đã tạo đỉnh tăng trưởng trong 2018 (với dự báo tăng trưởng GDP 2019 là 2,3%) khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải giảm bớt cường độ tăng lãi suất. Điều này khiến sức ép lên VND không quá mạnh và do đó, chúng tôi đánh giá Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ tăng nhẹ tỷ giá VND/USD trong năm 2019 khoảng 1,5 -2% trong 2019 nhằm cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu," chuyên gia MBS dự báo.
Ngoài ra, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 7,2 tỷ USD trong năm 2018 tạo thêm dư địa cho ổn định tỷ giá tại Việt Nam. Nhiều khả năng dự trữ ngoại hối sẽ tăng nhẹ vào cuối 2019 khi xu hướng trên vẫn tiếp diễn. Hiện tại, dự trữ ngoại hối đã đạt 3,2 tháng nhập khẩu và cao hơn đáng kể so với mức nợ ngoại tệ ngắn hạn của nền kinh tế là 21,9 tỷ USD do đó MBS đánh giá rủi ro tỷ giá tăng mạnh trong năm 2019 là khá thấp.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, do Fed nhiều khả năng sẽ ngưng chu kỳ tăng lãi suất sau khi tăng 2 lần nữa trong năm 2019, nên USD sẽ khó duy trì được xu hướng tăng giá. Do đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng sẽ giảm và dự kiến VND sẽ quay trở về biên độ điều chỉnh tỷ giá hẹp trong năm 2019, trừ trường hợp nhân dân tệ mất giá mạnh.
Đồng quan điểm, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, năm 2018, VND là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của Fed. Việt Nam cũng là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á chưa phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2018.
Việc giữ cho VND không bị mất giá quá mạnh được Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ yếu qua việc rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng, tạo sự khan hiếm VND, qua đó bảo vệ giá trị của đồng nội tệ.
Ngoài ra, Việt Nam có cán cân thanh toán tổng thể thặng dư kể từ năm 2016 đến nay là đặc điểm khác biệt so với năm 2015 và 2007-2011 (giai đoạn VND mất giá mạnh). Sự thặng dư đến từ cả cán cân vãng lai và cán cân vốn. Dự báo cán cân thanh toán tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư năm 2019 nhờ xuất khẩu vẫn tăng trưởng, Việt Nam hấp dẫn được nhiều vốn FDI và dòng kiều hối ổn định.
VND luôn được điều chỉnh theo hướng mất giá so với USD trong khi NDT của Trung Quốc thì trồi sụt tùy từng thời kỳ và Chính phủ Trung Quốc thường có động cơ giảm giá NDT khi kinh tế gặp khó khăn.
"Dự báo NDT năm 2019 sẽ tiếp tục giảm giá (dưới 5%, thấp hơn năm 2018). Do vậy, áp lực giảm giá VND từ diễn biến của đồng NDT trong năm 2019 cũng sẽ thấp hơn năm 2018. Trên cơ sở đó, rủi ro VND giám giá trên 5% năm sau không lớn. Chúng tôi dự báo VND sẽ giảm giá dưới 3% trong năm 2019," chuyên gia của BVSC nhấn mạnh.
(Theo Vietnam+)