Sáu mươi ba năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mục tiêu của nhà nước mới ra đời ấy được ghi rõ ngay dưới tên nước: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Tự do và hạnh phúc đi sau độc lập. Dân chủ nằm ngay trong tên nước. Nước có độc lập thì dân mới có tự do để sống, tự do suy nghĩ và hành động để mưu cầu hạnh phúc.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung đó luôn luôn thiết thực. Bát cơm, manh áo cho người dân đang đói khổ là mệnh lệnh chiến đấu trực tiếp của nhà nước cách mạng.
Cho nên, chống giặc đói là việc đầu tiên trong sáu vấn đề cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà vị Chủ tịch Chính phủ Lâm thời đề ra chỉ một ngày sau “Tuyên ngôn độc lập”, liền ngay sau bát cơm, vấn đề thứ hai và thứ ba lại là nhu cầu dân chủ, là đời sống tinh thần, là vấn đề dân trí.
Cho nên, chống dốt là vấn đề thứ hai, và tiếp đó, “quyền tự do, dân chủ” là vấn đề thứ ba! (1)
Hồ Chí Minh thấy được những vấn đề mà có thể những người khác chưa thấy hoặc thấy chưa rõ. Nhận ra được điều đó mới hiểu tại sao mở đầu cho Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh lại viện dẫn đến những câu tiêu biểu nhất trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp 1791, thể hiện tập trung nhất cho khát vọng của con người, của loài người.
Từ khát vọng cháy bỏng ngàn đời đó, Hồ Chí Minh biết được phải làm gì với một dân tộc vừa thoát ách nô lệ và gần một trăm năm bị xóa tên trên bản đồ thế giới.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”! Cần nhớ, từ 1919, Người đã nêu lên yêu sách này, đòi phải thay chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật.
Trên báo L’Humanité ngày 2/8/1919, trong “Vấn đề dân bản xứ”, Người đòi “tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học, thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật” (2).
Và ta hiểu vì sao, trong hoàn cảnh cực kỳ phức tạp của giặc ngoài, thù trong, Hồ Chí Minh vẫn kiên quyết tổ chức tổng tuyển cử bầu quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam, một nước dân chủ, trong đó dân là chủ, dân làm chủ, quyền hành và lực lượng đều nơi dân.
Chân lý thì luôn luôn đơn giản.
Song hiểu được chân lý, đến được với chân lý thì thường lại cực kỳ gian truân. Mà gian truân nhất là phải phân biệt cho được chân lý với cái na ná như chân lý khiến đôi khi người ta ngộ nhận một cách chân thành. Nguy hại của sự “na ná” ấy thật khó lường!
Viết về Bác Hồ, Phạm Văn Đồng có một đoạn rất thú vị: “Trong những lời căn dặn lại, Bác Hồ có nói sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các bậc đàn anh khác. Trí tưởng tượng của tôi hình dung cuộc gặp giữa Bác Hồ với những người thầy sáng lập học thuyết Mác-Lênin biết bao ý nghĩa và hào hứng.
Có thể Các Mác vui lòng nhắc lại một câu nói mà tôi luôn luôn ghi nhớ trong ký ức của mình: “Tôi đã gieo những con rồng và tôi đã gặt những con bọ...”. Thật có đúng như vậy, song cũng có nhiều con rồng...” (3).
Đúng là đã có không ít những con rồng. Chỉ có điều lại có quá nhiều những con bọ. Đáng ngại hơn là nhầm lẫn “bọ” thành “rồng”. Sự lẫn lộn ấy khiến cho cái giá phải trả để đến được với chân lý là quá lớn. Tuy nhiên, chân lý nằm ngay trong quá trình nhận thức.
Hiến pháp 1946 do Hồ Chí Minh trực tiếp làm “Trưởng ban soạn thảo” nói lên rất rõ chân lý ấy. Ở đây thể hiện rõ những yếu tố pháp quyền thể hiện trên nguyên tắc quyền lực và tổ chức quyền lực. Trong nội dung của Hiến pháp, nét nổi bật là việc kiểm soát quyền lực nhà nước chứa đựng tinh thần khoan dung, nét nổi bật của truyền thống văn hóa Việt Nam.
Điều 1 đã nổi rõ lên tinh thần ấy: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước dân chủ. Tất cả các quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giai cấp, tôn giáo”.
Những điểm khác như Hội đồng Nhân dân được xác định như một cơ quan “tự quản” của nhân dân địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương, do nhân dân địa phương bầu chọn và chịu trách nhiệm trước họ. Ở đây đã có đường nét của tư duy về điều mà ngày nay gọi là “xã hội dân sự”.
Định chế luật sư cũng được đề ra. Rõ ràng cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước thể hiện trong Hiến pháp 1946 đã đặt nền móng cho một nhà nước pháp quyền, trong đó các quyền tự do, bình đẳng về chính trị và xã hội của người công dân được công nhận và được bảo đảm bằng luật pháp.
Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc cảnh báo “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân... Dân chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài.
Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (4). Có tiên liệu được sự tha hóa của quyền lực mới có được sự cảnh báo ấy ngay từ ngày đầu, lúc mà chính quyền cách mạng còn trong trứng nước.
Để rồi lời căn dặn trước lúc ra đi: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(5).
Kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 năm nay, khi mà “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ tốt tươi” đang được đẩy mạnh, nhắc lại những ý tưởng đặt nền móng nhà nước pháp quyền là thiết thực học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
(1, 2, 4) Hồ Chí Minh toàn tập. NXBCTQG, Hà Nội 1995 - Tập 4, tr.8; Tập 1. tr.6; Tập 5, tr. 60
(3) Phạm Văn Đồng “Hồ Chí Minh, Quá khứ - Hiện tại và Tương lai” - NXB ST. Hà Nội 1991, Tập I, tr.98
(5) “Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” NXB Trẻ. 2004, tr.55