Tuyển bóng đá Việt Nam top 8 châu Á, còn cấp câu lạc bộ?

MINH CHUNG| 02/03/2019 00:27

Tối 26/2, hai đại diện bóng đá Việt Nam - nhà vô địch V-League Hà Nội FC và vô địch cúp quốc gia Becamex Bình Dương chính thức ra quân tại AFC Cup 2019.

Tuyển bóng đá Việt Nam top 8 châu Á, còn cấp câu lạc bộ?

Với màn thể hiện ở hai trận vòng loại AFC Champions League, Hà Nội đủ sức chinh phục AFC Cup

Việc các đội tuyển U16, U19 Việt Nam liên tục có mặt ở vòng chung kết châu Á, thậm chí dự World Cup U20 và những chiến tích vang dội ở đấu trường châu Á trong năm qua của các đội tuyển U23 và tuyển quốc gia (top 8) đặt ra yêu cầu đã đến lúc ở cấp câu lạc bộ (CLB) cũng phải vươn tầm châu lục.

AFC có bất công?

Dù Hà Nội FC đã có màn thể hiện ấn tượng trên đất Trung Quốc trước "người khổng lồ" Shandong Luneng - "đệ tam anh hào" Chinese Super League, nhưng vẫn phải lần thứ năm lỡ hẹn với sân chơi cao nhất cấp CLB AFC Champions League, phải xuống chơi ở AFC Cup, khiến dư luận cho rằng AFC đối xử bất công với bóng đá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Cụ thể, 3 năm liên tiếp gần đây, Việt Nam không có suất dự vòng bảng AFC Champions League và cả 2 trận vòng sơ loại năm nay, nhà vô địch V-League đều phải chơi trên sân đối phương, thậm chí chưa đá đã sớm bị xếp xuống AFC Cup.

Link bài viết

Tuy nhiên, sự phân bổ này là căn cứ vào bảng xếp hạng với hệ thống tính điểm rất chi tiết được AFC áp dụng từ 2014, dựa trên thành tích của các CLB đại diện quốc gia tại đấu trường châu lục từng năm. 

Cụ thể, mùa trước Thanh Hóa cũng dừng bước ở vòng sơ loại AFC Champions League và sau đó cùng Sông Lam Nghệ An cũng không thể vượt qua vòng bảng AFC Cup, nên thành tích cấp CLB 2018 của Việt Nam chỉ có 27 điểm, xếp thứ 8, sau Thái Lan và Malaysia.

Do đó, có sự "phân biệt đối xử" là bởi thành tích của các CLB của chúng ta ở 2 giải đấu châu lục quá kém cỏi. Cũng không có gì ngạc nhiên khi AFC sớm "dự đoán" Hà Nội sẽ bị loại ở AFC Champions League khi cả 4 lần trước đội bóng này đều dừng bước ở vòng sơ loại thứ 2, thậm chí năm 2015 thảm bại trước FC Seoul 0-7 và 2017 còn không vượt qua nổi đại diện Hong Kong (Kitchee).

Đội tuyển Việt Nam là nhà vô địch AFF Cup, top 8 châu Á nhưng ở cấp CLB Đông Nam Á chỉ có 2 đội được đặc cách dự vòng bảng AFC Champions League năm nay là nhà vô địch Malaysia Johor (Malaysia) và đội bóng Thái Lan của Xuân Trường Burinam.

"Tiên trách kỷ"...

So về thực lực, các đội bóng Việt Nam không thua kém các đồng nghiệp Đông Nam Á, nhưng ở AFC Champions League chỉ là "kẻ học việc", chưa bao giờ vượt qua vòng bảng hay vòng loại. Trong khi 2 mùa liên tiếp gần đây, 2 đại diện Thái Lan (Burinam và Muangthong) đều có mặt ở vòng knock-out. 

Ngay cả ở sân chơi có đẳng cấp thấp hơn là AFC Cup, tham dự từ năm 2007 nhưng thành tích cao nhất của V.League chỉ là Becamex Bình Dương lọt tới bán kết 2009 và Hà Nội T&T, Vissai Ninh Bình góp mặt ở tứ kết 2014.

E ngại kinh phí chỉ là một phần (đây không phải là vấn đề với các đội bóng nhà giàu như Hà Nội hay FLC Thanh Hóa mùa rồi), động lực thi đấu mới là nguyên nhân chính. Cụ thể, các CLB sợ không đủ lực chia sức, ảnh hưởng đến thành tích ở V.League, như Thanh Hóa năm ngoái đá cúp châu Á mà chỉ dùng đội hình dự bị.

Bởi thành tích trong nước mang lại lợi ích tức thời cho đội bóng, hiệu ứng quảng bá cho doanh nghiệp bảo trợ, tài trợ, kể cả hiệu ứng liên quan đến các dự án ngoài bóng đá của các ông bầu. Trong khi đó, thành công ở sân chơi châu lục không mang đến những kết quả cụ thể.

Tóm lại, các ông bầu, doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhu cầu quảng bá sản phẩm, thương hiệu ở thị trường quốc tế. Hay nói cách khác, nguyên nhân khiến các CLB Việt Nam gây thất vọng ở đấu trường châu Á xuất phát từ tính chuyên nghiệp chưa cao. Sau các đội tuyển, giờ cấp CLB phải vươn tầm châu lục, trước mắt là với 2 đại diện Hà Nội, Becamex Bình Dương ở sân chơi vừa tầm AFC Cup 2019 này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tuyển bóng đá Việt Nam top 8 châu Á, còn cấp câu lạc bộ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO