Tuyên bố cắt giảm đường, PepsiCo đối mặt những hoài nghi

THÁI BẢO| 26/10/2016 06:28

Việc cắt giảm lượng đường trong đồ uống của Pepsico có ý nghĩa tích cực đối với vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng, nhưng truyền thông quốc tế có những hoài nghi về điều này.

Tuyên bố cắt giảm đường, PepsiCo đối mặt những hoài nghi

Việc cắt giảm lượng đường trong đồ uống của PepsiCo có ý nghĩa tích cực đối với vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng, nhưng truyền thông quốc tế có những hoài nghi về điều này.

Đọc E-paper

Tuần trước, Công ty PepsiCo đưa ra thông báo về việc sẽ cắt giảm thêm nữa lượng calorie trong các loại đồ uống, cụ thể sẽ tập trung vào việc giảm đường. Theo đó, công ty đồ uống Mỹ này cam kết vào năm 2025, khoảng 2/3 đồ uống của họ sẽ chứa bằng hoặc dưới 100 calorie/đơn vị.

Chiều chuộng cộng đồng

"Để thành công trong một thế giới đầy biến động ngày nay, các nhà sản xuất phải làm thật tốt hai việc: tập trung vào hiệu suất tài chính, thực hiện nó một cách bền vững theo thời gian, và có khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội" - China Daily dẫn lời Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Pepsico, bà Indra Nooyi.

Trong thông báo về chương trình phát triển trong 10 năm tới, PepsiCo khẳng định sẽ có ba ưu tiên chính, gồm góp phần cải thiện sức khỏe và hạnh phúc thông qua việc buôn bán sản phẩm, bảo vệ hành tinh và gầy dựng con người. Những mục tiêu PepsiCo theo đuổi sẽ gắn chặt với chương trình Tầm nhìn phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc năm 2030.

Trong thời gian qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo người dân điều chỉnh lượng calorie trong khẩu phần ăn nhằm ngăn chặn tình trạng béo phì dẫn tới nhiều nguy cơ về sức khỏe. Theo đó, người dân được khuyên chỉ nên tiêu thụ một lượng đường dưới 10% so với số calorie hằng ngày họ nạp vào người. Nhưng bên cạnh thức ăn, những đồ uống chứa lượng calorie cao cũng gây lo ngại, và lượng calorie này chủ yếu xuất phát từ đường hóa học hoặc chất làm ngọt nhân tạo. Trong khi chưa có nghiên cứu nào về tác hại của đường thiên nhiên từ mật ong và trái cây, thì nhiều kết quả cho thấy đường nhân tạo làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường.

Là một công ty kinh doanh đồ uống và đồ ăn nhẹ, nhưng có tới hơn 50% trong doanh thu 65 tỷ USD của PepsiCo năm 2015 xuất phát từ đồ uống với các loại nước ngọt Pepsi, Tropicana, nước tăng lực Gatorade. Bên cạnh lượng đường, PepsiCo cũng nói rằng họ sẽ giảm chất béo bão hòa và natri trong phần lớn các sản phẩm, cũng như đưa ra kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính 20% đến năm 2030.

Hay chiều chuộng luật pháp?

Cắt giảm lượng calorie trong các loại đồ uống có thể xem là động thái tốt của một công ty, thế nhưng tại sao tuyên bố của PepsiCo được đưa ra vào lúc này?

Ngày 18/10, trang Polito cho biết đây không phải lần đầu tiên PepsiCo tuyên bố mạnh mẽ về việc cắt giảm lượng đường. Năm 2009, công ty này đã cam kết cắt giảm 25% lượng đường trung bình thêm vào những loại đồ ăn và thức uống đối với "những sản phẩm toàn cầu quan trọng" đến năm 2020, tính theo tỷ lệ của năm 2006. Tuy nhiên, PepsiCo không giữ đúng lời hứa, và thừa nhận từ năm 2006 đến nay lượng đường tính trên mỗi đơn vị sản phẩm cung ứng đã tăng thêm 4%.

Điểm chủ yếu dễ nhầm lẫn là cam kết gia tăng tỷ lệ sản phẩm "cắt giảm lượng đường" với việc cắt giảm trên thực tế. Nghĩa là thay vì rút lượng đường trong mỗi chai Pepsi, PepsiCo sẽ "gia tăng số lượng sản phẩm" có lượng đường được rút đi, tức nếu họ có 100 sản phẩm đồ uống, thì sẽ khoảng 30 sản phẩm được giảm lượng đường so với 15 sản phẩm ít đường trước kia.

Trên thực tế, Pepsi cũng như Coca-Cola đã cho ra đời nhiều loại nước ngọt ít đường hoặc không đường, như Pepsi Max, Pepsi Zero, Coca-Cola light, Coca-Cola Zero... Tuy vậy, trong tháng 9, Pepsi vẫn ra mắt sản phẩm chứa chất làm ngọt aspartame, với lý do tạo sự đa dạng cho người tiêu dùng lựa chọn.

Đáng chú ý, tuyên bố của PepsiCo đưa ra khoảng một tuần sau khi WHO cho biết họ ủng hộ kế hoạch đánh thuế vào các loại đồ uống có đường, một sáng kiến đã chứng tỏ hiệu quả về sức khỏe ở Mexico từ năm 2014 đến nay, đài NPR của Mỹ dẫn lời các chuyên gia.

Vào tháng 11 tới, cử tri ở các thành phố California, Oakland, Albany, Boulder, Mỹ sẽ bỏ phiếu về sáng kiến đánh thuế đặc biệt cho đồ uống có đường ở địa phương họ. Mùa hè năm ngoái, Philadelphia là nơi đã thông qua khoản thuế ấy. Hiệp hội Đồ uống Mỹ (ABA) đang cố gắng chống lại ý tưởng này, vì cho rằng không công bằng khi chỉ đánh thuế vào đồ uống.

Rất có thể động thái cam kết mới nhất của PepsiCo cũng là cách để trấn an dư luận và các nhà làm luật. Cũng có lý do để tin rằng PepsiCo đã lên tiếng đúng lúc trước khi Công ty Varun Beverages, nhượng quyền của PepsiCo, tuyên bố về kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) vào ngày 26/10.

>Pepsi, Coca-Cola: Cuộc đấu giảm đường

>Luyện tập cơ giúp kiểm soát lượng đường

> 10 triệu chứng của bệnh tiểu đường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tuyên bố cắt giảm đường, PepsiCo đối mặt những hoài nghi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO