Phải bỏ nhận bảo hiểm thất nghiệp vì... thủ tục

NGUYỄN ĐƯỚC| 16/08/2013 08:21

Những quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục đăng ký, hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều bất cập và hạn chế

Phải bỏ nhận bảo hiểm thất nghiệp vì... thủ tục

Làm công tác giải quyết chế độ cho người lao động của công ty trong nhiều năm liền, tôi thấy những quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục đăng ký, hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn nhiều bất cập và hạn chế, gây không ít khó khăn cho người lao động tham gia, hưởng chế độ trợ cấp BHTN.

Cơ quan công ty nơi tôi đang làm việc là một doanh nghiệp nhà nước chuyên về thi công, xây dựng công trình cơ bản, trụ sở chính ở TP.HCM. Có thời điểm công ty sử dụng hàng trăm lao động làm việc tại các công trình xây dựng trong nhiều tỉnh thành cả nước, nhiều nhất là ở các tỉnh miền trung và các tỉnh phía bắc như: Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng… Hàng tháng công ty thực hiện, đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động tại cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM.

Đã có hàng chục lao động sau một vài năm làm việc tại công trình của công ty đã gửi đơn về công ty xin chấm dứt hợp đồng lao động vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải về quê giúp đỡ gia đình. Sau khi công ty ra quyết định và thông báo cho người lao động phải có mặt tại TP.HCM để làm thủ tục đăng ký, hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, hầu hết nhiều người lao động đành phải “bỏ” hưởng chế độ BHTN vì hoàn cảnh xa xôi, khó khăn không thể nào vào tận TP.HCM để đăng ký, làm thủ tục chuyển hưởng BHTN về quê.

Theo quy định của pháp luật BHXH Việt Nam, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải trực tiếp đăng ký, hưởng BHTN tại TP.HCM, sau đó làm thủ tục xin chuyển hưởng BHTN về nơi mình sinh sống, cư trú.

Với mức lương cơ bản để đóng BHXH, BHTN của một công nhân có khởi điểm hệ số bậc thấp nhất là 1,85 nhân với mức lương cơ sở (lương tối thiểu chung), thời gian tham gia hưởng BHTN không quá 3 tháng, mức hưởng 60% lương cơ bản, thì chi phí đi tàu xe ra vào TP.HCM để làm thủ tục chuyển hưởng BHTN về quê chẳng còn lại bao nhiêu, nên chuyện nhiều người lao động đành “bỏ” không thể vào TP.HCM để đăng ký thủ tục hưởng BHTN là điều dễ hiểu…

Đã có đôi lần tôi đã phản ánh trực tiếp tình trạng “bất hợp lý” này với cơ quan đăng ký hưởng BHTN tại địa phương thì được nhân viên ở đây trả lời là việc đăng ký, hưởng BHTN bắt buộc phải có mặt trực tiếp người lao động tại TP.HCM, sau đó trình bày hoàn cảnh, nguyện vọng để cơ quan đăng ký hưởng BHTN xem xét chuyển hưởng BHTN về nơi sinh sống, cư trú của người lao động để giải quyết.

Thiết nghĩ, Luật BHXH Việt Nam cần bổ sung, quy định cụ thể, cũng như các cơ quan đăng ký hưởng BHTN tại địa phương nơi người lao động cư trú, sinh sống cần xem xét, linh động cho người lao động được đăng ký hưởng BHTN tại địa phương sau khi người lao động đã có đầy đủ thủ tục, mà không cần thiết buộc người lao động phải vào TP.HCM để làm thủ tục đăng ký hưởng BHTN và chuyển hưởng BHTN về địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động hưởng BHTN tại nơi mình sinh sống, cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động đã có đủ thời gian tham gia hưởng BHTN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải bỏ nhận bảo hiểm thất nghiệp vì... thủ tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO