Phá sản doanh nghiệp: Những bất cập khi thực hiện

LS. Nguyễn Tiến Mạnh| 15/06/2020 07:47

Từ khi Luật Phá sản (năm 2014) có hiệu lực, có khá nhiều vấn đề còn bất cập, nhất là nhiệm vụ của quản tài viên (QTV) và doanh nghiệp (DN) bị buộc mở thủ tục phá sản.

Trong phạm vi bài viết này, dưới quan điểm của QTV, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề đã gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và một số kiến nghị, đề xuất góp phần hạn chế những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi thực hiện Luật Phá sản.

Hoạt động của QTV

Chỉ định QTV và chi phí QTV. Luật Phá sản quy định việc thẩm phán chỉ định QTV trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có đề xuất chỉ định QTV thì phải ghi rõ vào đơn yêu cầu (Khoản 3, Điều 26). Tuy nhiên, quy định của Luật lại không đề cập đến vấn đề cung cấp thông tin về tổng thể của vụ việc cũng như tình hình của DN mở thủ tục phá sản cho QTV. Điều này gây khó khăn cho QTV trong việc dự tính thời gian, công sức thực hiện vụ việc, dẫn đến khó xác định chi phí. Luật Phá sản quy định quyết định chỉ định QTV phải ghi nội dung về tạm ứng chi phí. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tham gia các vụ việc tại một số tòa án nhân dân các tỉnh - thành thì quyết định chỉ định QTV tham gia quản lý, thanh lý tài sản của DN bị buộc mở thủ tục phá sản đều không đề cập đến vấn đề này. Do đó, QTV tham gia vụ việc nếu muốn tạm ứng chi phí thì phải gửi văn bản đề nghị và nếu được chấp thuận thì phải khá lâu sau mới nhận được tiền. Cá biệt, có trường hợp được chỉ định QTV nhưng không nêu việc tạm ứng chi phí. Mặc dù vậy, QTV vẫn thực hiện việc lập danh sách chủ nợ và danh sách người mắc nợ DN mở thủ tục phá sản gửi về tòa án. Nhưng khi tòa án cấp trên quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản lại không đề cập đến việc thanh toán chi phí cho QTV.

pha-san-3969-1591928432.jpg

Theo quy định, chi phí QTV được thanh toán trên tỷ lệ % giá trị tài sản của DN bị mất khả năng thanh toán. Quy định này cũng gây khó khăn cho việc thanh toán chi phí QTV trong trường hợp DN không còn tài sản hoặc giá trị tài sản còn lại sau thanh lý rất thấp, không đủ để thanh toán chi phí QTV.

Chi phí QTV bao gồm thù lao và chi phí khác theo quy định tại Điều 21, Nghị định 22/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ (NĐ22) quy định chi tiết một số điều của Luật Phá sản và hướng dẫn thi hành. Theo đó, phương thức tính thù lao QTV có thể theo ba hình thức: theo giờ làm việc, theo mức thù lao trọn gói, theo mức thù lao tính theo tỷ lệ % tổng giá trị tài sản DN bị mở thủ tục phá sản thu được sau khi thanh lý. Tuy nhiên, NĐ22 cũng chưa rõ ràng trong cách xác định thù lao QTV, chẳng hạn như đối với cách tính theo giờ làm việc thì mức tính thù lao mỗi giờ là bao nhiêu. Nếu tính theo mức thù lao trọn gói thì cá nhân, tổ chức nào xác định mức trọn gói này, sự thỏa thuận ra sao cũng chưa được quy định cụ thể. Cách tính thù lao QTV cũng chưa được quy định theo từng giai đoạn của thủ tục tuyên bố phá sản. Mặc dù NĐ22 có quy định trong trường hợp tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết phá sản theo quy định tại Điều 86, Luật Phá sản thì thẩm phán và QTV thỏa thuận mức thù lao, nhưng cũng không đề cập đến trường hợp nếu không đạt được thỏa thuận thì giải quyết như thế nào. Hoặc như trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có đề xuất chỉ định QTV thì sẽ thỏa thuận với ai về chi phí.

Luật Phá sản quy định QTV là người tiến hành thủ tục phá sản. Tuy nhiên, NĐ22 không đề cập đến việc cung cấp thông tin bước đầu về DN bị mở thủ tục phá sản, cũng như việc cung cấp quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản hoặc quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản cho QTV.

Có thể nói, cách xác định, chi trả chi phí QTV như hiện nay là chưa phù hợp, chưa tương xứng với thời gian, công sức mà QTV bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ.

Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tại Khoản 1, Luật Phá sản cho phép chủ nợ được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN mất khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn được xem là một hình thức đòi nợ tập thể hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tòa án tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương chỉ thụ lý nếu khoản nợ đó được hạch toán trong báo cáo tài chính của DN.

Như vậy, trong trường hợp DN mắc nợ cố tình không đưa khoản nợ đến hạn này vào trong báo cáo tài chính thì chủ nợ phải làm thế nào để được thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, và pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ nợ trong trường hợp này bằng cơ chế nào?

Nhiệm vụ QTV. Sau khi có quyết định chỉ định, QTV cần xác định danh sách chủ nợ, người mắc nợ cũng như tình hình tài chính, thuế của DN bị mở thủ tục phá sản trong ba năm liên tục. Việc liên hệ cơ quan thuế để yêu cầu cung cấp báo cáo tài chính, báo cáo thuế của DN là một quá trình nhiêu khê, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian phân tích, đánh giá hoạt động, khả năng tài chính của DN bị mở thủ tục phá sản. Đó là chưa kể đến khó khăn khi xác minh số dư tài khoản của DN tại các tổ chức tín dụng vì đa số ngân hàng đều từ chối việc này, dù QTV có yêu cầu bằng văn bản. Lúc này, QTV phải có văn bản đề nghị tòa án hỗ trợ việc yêu cầu ngân hàng cung cấp số dư tài khoản, làm kéo dài thời gian xác minh và có thể dẫn đến việc DN tẩu tán tài sản hoặc không trung thực về tình trạng tài chính. Cũng có trường hợp trụ sở DN không đúng địa chỉ trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh càng gây khó khăn cho việc xác minh.

Link bài viết

Quá trình lập danh sách chủ nợ và người mắc nợ của DN bị mở thủ tục phá sản cũng không hề suôn sẻ. Luật Phá sản chưa được thông tin rộng rãi, DN cũng chưa hiểu hết về quy trình, thủ tục đòi nợ theo thủ tục phá sản nên vẫn còn nhiều trường hợp gửi văn bản và chứng từ đòi nợ chưa đảm bảo theo yêu cầu. Có trường hợp, dù được QTV hướng dẫn việc cung cấp văn bản, tài liệu đòi nợ nhưng DN vẫn không thực hiện mà tự liên hệ tòa án để nộp hồ sơ, sau đó tòa án lại phải chuyển cho QTV.

Đối với việc lập danh sách người mắc nợ, QTV căn cứ vào danh sách do DN bị mở thủ tục phá sản cung cấp và theo nội dung báo cáo tài chính của DN. Tuy nhiên, cũng không loại trừ tình trạng DN cố tình che giấu thông tin nhằm tẩu tán tài sản.

Đề xuất, kiến nghị

Chỉ định QTV và chi phí QTV. Luật Phá sản và văn bản hướng dẫn thi hành Luật không quy định việc cung cấp quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản và việc trao đổi thông tin về tổng thể vụ việc cho QTV. Dù vậy, trong phạm vi TP.HCM, đề nghị Sở Tư pháp có ý kiến với tòa án về việc cung cấp cho QTV những văn bản ấy để tạo điều kiện thuận lợi cho QTV trong hoạt động nghiệp vụ. Việc trả chi phí QTV, đề nghị tòa án nên có hướng dẫn và thống nhất từng mức cụ thể để dễ thực hiện.

Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Như đã phân tích ở trên, hiện nay, tại TP.HCM, yêu cầu việc hạch toán khoản nợ vào báo cáo tài chính của DN mất khả năng thanh toán là điều kiện thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Việc này ít nhiều gây khó khăn cho DN trong việc đòi nợ theo thủ tục phá sản. Thiết nghĩ, tòa án cần xem xét lại cụ thể vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật.

Việc thực hiện nhiệm vụ QTV. Đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến DN, các cơ quan nhà nước trên địa bàn về Luật Phá sản, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với QTV trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Ngân hàng Nhà nước cũng cần phổ biến rộng rãi cho các tổ chức tín dụng về việc phối hợp cung cấp thông tin DN bị mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của QTV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phá sản doanh nghiệp: Những bất cập khi thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO